Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) yêu cầu phải xếp lương theo thang, bảng lương do Nhà nước quy định nên bà Bé được đơn vị xếp lương nhân viên tạp vụ bậc 3, hệ số 1,36, mức lương 1.564.000 đồng/tháng. Đến tháng 8/2015 bà Bé sẽ đủ 55 tuổi, tuy nhiên sức khỏe của bà vẫn tốt. Bà Bé hỏi, nếu được đơn vị gia hạn hợp đồng lao động (HĐLĐ) thì bà có được tiếp tục đóng BHXH nữa không? Khi bà nghỉ việc thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp và chế độ BHXH không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Bé hỏi như sau:
Theo thông tin bà Phạm Thị Bé cung cấp, thì bà Bé là người lao động theo chế độ HĐLĐ trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP từ năm 2012.
Đến tháng 10/2014, khi ở tuổi 54, bà Bé mới tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo mức tiền lương đóng bảo hiểm của nhân viên phục vụ bậc 3/12, hệ số 1,36 theo Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của nhà nước (bảng số 4 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP). Về nguyên tắc, mức hưởng BHXH của người lao động căn cứ vào mức đóng và thời gian đóng BHXH.
Trường hợp bà Bé nghỉ việc tại thời điểm đủ 55 tuổi (tháng 8/2015) thì bà mới có tổng thời gian tham gia BHXH, BHYT, BHTN được 10 tháng. Căn cứ điểm a, khoản 1 Điều 55, Điều 56 Luật BHXH năm 2006 (có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2015), được quy định chi tiết tại khoản 3 Điều 30, khoản 5 Điều 28 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, thì với thời gian đóng BHXH 10 tháng đó, bà được hưởng BHXH một lần bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Căn cứ khoản 2 Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 (có hiệu lực từ 1/1/2015), bà Bé không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ), bà Bé có quyền yêu cầu đơn vị có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc đối với thời gian làm việc từ năm 2012 đến trước tháng 10/2014, do đơn vị không lập hồ sơ, đóng BHTN cho bà. Theo đó, cứ mỗi năm làm việc trước tháng 10/2014 bà được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Khoản 1 Điều 166 và khoản 1 Điều 167 BLLĐ, Điều 6 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của BLLĐ quy định, khi người sử dụng lao động có nhu cầu và người lao động cao tuổi (sau độ tuổi 55 đối với nữ, 60 đối với nam) có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn HĐLĐ.
Nếu bà Bé có đủ sức khỏe, được đơn vị thoả thuận kéo dài thời hạn HĐLĐ sau độ tuổi 55, thì bà Bé được tiếp tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc. Khi đơn vị không có nhu cầu hoặc bà Bé không có đủ sức khỏe thì hai bên chấm dứt HĐLĐ.
Trường hợp khi chấm dứt HĐLĐ sau ngày 31/12/2015, mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH bà Bé sẽ được hưởng BHXH một lần theo quy định tại điểm a, khoản 1 và khoản 2 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2016). Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:
- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;
- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
(Tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2015 vừa qua, Chính phủ đã nhất trí kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Nếu người lao động chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần như quy định của Luật BHXH năm 2006 hoặc được bảo lưu thời gian đã đóng BHXH để tiếp tục đóng BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động).
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội