Các biện pháp phòng ngừa và ứng phó đối với khu vực không có đê bảo vệ ở mức báo động I là cần triển khai việc tuần tra, canh gác đê, kiểm tra các công trình thủy lợi trên đê, vận hành, đóng cửa cống tiêu nước trong đồng ra sông, trù bị lực lượng, vật tư cho việc hộ đê khi mực nước bắt đầu ảnh hưởng đến chân đê, gây ẩm ướt chân đê.  

Đối với báo động II, khi mực nước bắt đầu gây áp lực đến thân đê, cần tăng cường tuần tra canh gác, phát hiện kịp thời các sự cố về đê như đùn sủi nước trong, nước đục, báo cáo và xử lý kịp thời các sự cố về đê điều.

Báo động III khi mực nước đã gây áp lực nước đến đê, khả năng bảo vệ của đê suy giảm dần theo thời gian ngâm nước, do đó, việc tuần tra, canh gác đê cần được tiến hành một cách nghiêm ngặt ngay cả khi lũ đã rút, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê liên quan đến thấm, thẩm lậu và sạt trượt thân đê, gây nguy cơ vỡ đê và trù bị các điều kiện sơ tán khi cần thiết đối với các khu vực phân lũ, chậm lũ.