![]() |
Nữ liệt sĩ Trần Thị Thiệp và Đặng Thị Oánh |
Câu chuyện cảm động về mười cô gái xã Lam Hạ (thành phố Phủ Lý, Hà Nam) anh dũng hy sinh khi tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của nhiều người dân địa phương. Người ta thường gọi các cô là mười nữ anh hùng Lam Hạ.
Không bỏ vị trí
Qua vài lời hỏi thăm, chúng tôi tìm được nhà bà Nguyễn Thị Tình, người chỉ huy của mười cô gái xã Lam Hạ năm xưa. Nhắc lại sự hy sinh của những người đồng đội cũ, những giọt nước mắt xúc động trào ra lăn trên đôi má đã nhăn nheo bởi thời gian của bà Tình.
Bà Tình cho biết, xã Lam Hạ nằm gần quốc lộ 1A, có tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua nên việc vận chuyển hàng hóa đường bộ chi viện cho miền Nam đều qua đây. Bởi vậy, xã Lam Hạ trở thành một mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ.
Năm 1964, đội nữ dân quân xã Lam Hạ được thành lập, gồm mười cô gái tuổi đời từ 16 đến ngoài 20, có nhiệm vụ giúp đỡ, phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực và sẵn sàng thay thế bộ đội chủ lực khi cần thiết.
Lúc đó, tại xã Lam Hạ đã xây dựng hai trận địa pháo 37 ly, một trận địa pháo 57 ly và một trận địa pháo 100 ly để chống lại máy bay Mỹ, bảo vệ tuyến đường vận chuyển chiến lược. Mười nữ dân quân Lam Hạ chiến đấu ở trận địa pháo 37.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Tình, người chỉ huy của mười cô gái Lam Hạ - Ảnh Chinhphu.vn |
Hơn 40 năm đã trôi qua nhưng bà Tình vẫn còn nhớ như in trận bom định mệnh làm 6 nữ dân quân hy sinh. Sáng 1/10/1966, khi nghe tiếng kẻng báo động máy bay địch xuất hiện, bộ đội chủ lực và các nữ dân quân vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Sau khi đánh phá trận địa pháo Phù Vân bảo vệ cầu Phủ Lý, máy bay Mỹ chuyển sang đánh trận địa pháo Lam Hạ.
Qua hai lần bay thăm dò, máy bay địch không kích đợt thứ ba vào trận địa pháo, từng tốp máy bay Mỹ dồn dập kéo đến ném bom. Trận địa pháo 37 bị trúng bom, 6 nữ dân quân hy sinh vào lúc 10 giờ sáng.
“Nhìn thấy chị em hy sinh ngay tại trận địa, chúng tôi vô cùng đau xót, nước mắt cứ trào ra. Lúc đó, chúng tôi tự nhủ, không được lùi bước mà phải tiếp tục chiến đấu”, bà Tình nói.
Trong 6 nữ dân quân hy sinh tại trận đánh ác liệt ngày hôm đó, có hai chị em ruột liệt sĩ Nguyễn Thị Thu và liệt sĩ Nguyễn Thị Thi. Chị Nguyễn Thị Thi hy sinh khi mới 16 tuổi, còn chị Nguyễn Thị Thu tròn 18 tuổi.
Chị Thi bị thương nặng được đồng đội đưa đi cấp cứu ở bệnh viện gần trận địa pháo. Thấy anh trai là ông Nguyễn Văn Thăng đang chiến đấu ở trận địa bên cạnh chạy đến, chị Thi bảo: “Anh không được bỏ vị trí, phải tiếp tục chiến đấu”.
![]() |
Đài tưởng niệm 10 nữ liệt sĩ Lam Hạ - Ảnh Chinhphu.vn |
Khi đến bệnh viện, các bác sĩ tiêm thuốc giảm đau cho chị Thi để cắt bỏ một chân bị thương, chị lại nói: “Các bác sĩ để dành thuốc cho những chiến sĩ khác, cứ phẫu thuật cho tôi, tôi còn chịu đựng được”. Chị Thi đã hy sinh tại bệnh viện.
Ngày 9/10/1966, máy bay địch tiếp tục ném bom trận địa pháo Lam Hạ làm 3 nữ dân quân là Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thiệp, Nguyễn Thị Oánh hy sinh. Đến ngày 7/7/1967, chị Đặng Thị Chung là nữ dân quân cuối cùng trong mười cô gái Lam Hạ hy sinh tại trận địa pháo 57.
Dang dở ước mơ tuổi xuân
Chúng tôi tìm đến gia đình ông Trần Văn Giáp, anh trai nữ liệt sĩ Trần Thị Thiệp. Ở tuổi 80, tóc đã bạc trắng nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn.
Ông Giáp nhớ lại, hôm đó (ngày 9/10/1966) nghe máy bay Mỹ ném bom vào trận địa pháo, linh cảm điều chẳng lành, ông vội chạy lên trận địa thì thấy em gái đã hy sinh ngay tại chỗ.
“Trước khi lên trên trận địa pháo, em gái tôi còn nói với mẹ tôi là con lên trên đó một lát rồi về, mẹ ở nhà không phải lo cho con. Vậy mà em tôi đã đi mãi không bao giờ quay trở về”, ông Giáp kể.
Nghe tin chị Thiệp hy sinh, mẹ chị ngất lịm ngay tại chỗ.
![]() |
Ông Trần Văn Giáp, anh trai liệt sĩ Trần Thị Thiệp - Ảnh Chinhphu.vn |
Ông giáp cho biết thêm, chị Thiệp tham gia dân quân khi mới 20 tuổi. Lúc đó, chị là thành viên ban chấp hành đoàn xã. Bà con trong xã rất thích nghe chị hát, bởi chị có giọng hát trong trẻo và mượt mà.
Những tối đi sinh hoạt đoàn về, qua cổng nhà chị hay hát bài “Quảng Bình quê ta ơi”. Đây là bài hát chị thích nhất. Sau này, mỗi lần nghe thấy bài hát này trên đài hay ti vi là mẹ chị lại bật khóc.
“Em gái tôi và một anh bộ đội tên Khôi quê ở Sơn Tây từng có thời gian đóng quân tại địa phương đã đem lòng yêu thương nhau. Em gái tôi hy sinh buổi sáng thì buổi chiều hôm đó có thư anh Khôi gửi về xin phép gia đình được cưới em tôi. Bức thư đã đến quá muộn…”, ông Giáp bùi ngùi.
Đến bây giờ, ông Nguyễn Văn Tuế vẫn còn nhớ rõ ngày chị gái Trần Thị Oánh trút hơi thở cuối cùng, đó là ngày 9/10/1966. Khi máy bay Mỹ tạm dừng đánh phá, nhận được tin báo trận địa pháo bị trúng bom, bố ông chạy lên trận địa thì thấy chị đã hy sinh.
Ông Tuế tiếp tục câu chuyện, thời con gái chị Oánh nổi tiếng xinh đẹp. Chị có ước mơ sẽ trở thành một cô giáo. Hôm trước chị hy sinh thì hôm sau một trường cao đẳng sư phạm ở miền Bắc có giấy gọi chị nhập học. Ước mơ của chị Oánh đã không bao giờ trở thành hiện thực.
Hơn mười năm trước, một đài tưởng niệm mười nữ liệt sĩ Lam hạ đã được xây dựng ở địa phương. Hiện tại, tỉnh Hà Nam đang tiến hành xây dựng một khu tưởng niệm gồm trận địa pháo, đền thờ, bia tưởng niệm các nữ liệt sĩ để các thế hệ sau luôn nhớ đến mười cô gái Lam Hạ.
Mười nữ liệt sĩ xã Lam Hạ: Nguyễn Thị Thi (1950), Nguyễn Thị Thu (1948), Đinh Thị Tâm (1948), Trần Thị Tuyết (1947), Phạm Thị Lan (1944), Vũ Thị Phương (1943), Nguyễn Thị Thuận (1948), Trần Thị Thiệp (1944), Đặng Thị Chung (1944), Nguyễn Thị Oánh (1942). |
Nguyễn Thắng