In bài viết

Muốn sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý

(Chinhphu.vn) - Vừa qua ông Hoàng Tuấn An (Hà Nội) phát hiện một công ty kính mắt tự ý dùng hình ảnh của cha ông để quảng cáo bán hàng trên tờ rơi và áp phích. Ông An yêu cầu công ty gỡ bỏ quảng cáo vì đã xúc phạm người đã khuất, nhưng họ không thực hiện. Vậy ông An phải làm thế nào?

27/05/2011 16:52

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời:

Trong các quyền dân sự của cá nhân thì quyền nhân thân là một phần rất quan trọng. Quyền nhân thân nói chung và quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình nói riêng là một trong những nội dung cơ bản của quyền con người được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.

Tại Điều 31 Bộ luật Dân sự quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 25 Bộ luật Dân sự, khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền: Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.

Trường hợp hình ảnh người cha đã chết của ông Hoàng Tuấn An bị một công ty kinh doanh kính mắt sử dụng làm quảng cáo bán hàng trên tờ rơi, áp phích mà không được sự đồng ý của cha ông lúc còn sống, hoặc không được sự đồng ý của vợ, con (đã thành niên) sau khi cha ông đã chết là hành vi vi phạm quyền nhân thân của người có hình ảnh.

Ông An cần thông báo bằng văn bản cho công ty kinh doanh kính mắt chấm dứt ngay hành vi vi phạm, tháo dỡ, thu hồi, tiêu hủy áp -phích, tờ rơi mang hình ảnh của cha ông. Yêu cầu công ty này phải công khai xin lỗi trên phương tiện thông tin đại chúng, phải bồi thường thiệt hại về tinh thần cho thân nhân người có hình ảnh.

Nếu công ty có hành vi vi phạm không thực hiện yêu cầu trên, ông An có quyền khởi kiện công ty này yêu cầu Tòa án giải quyết.

Việc bảo vệ quyền nhân thân thông qua việc yêu cầu Tòa án bảo vệ được tiến hành theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự, việc khởi kiện phải có căn cứ và đúng pháp luật. Do vậy đòi hỏi người khởi kiện phải chứng minh được quyền nhân thân về hình ảnh bị vi phạm và hành vi sử dụng hình ảnh trái pháp luật của công ty bị kiện.

Ngoài việc yêu cầu Tòa án buộc công ty phải chấm dứt hành vi vi phạm quyền về hình ảnh, công khai xin lỗi, ông An có thể yêu cầu Tòa án buộc công ty có hành vi vi phạm phải bồi thường tổn thất về tinh thần.

Theo quy định tại Điều 611 Bộ luật Dân sự và quy định tại khoản c, điểm 3.3 Mục 3, Phần II, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thoả thuận.

Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.