VOA dẫn lời Trung tá Dave Benham, Giám đốc Hoạt động Truyền thông của Hạm đội 3, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết: Các tàu của Hạm đội 3 hoạt động ở tiền phương có mục đích bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương.
Nhóm tàu tấn công bao gồm tàu sân bay USS Carl Vinson và ba tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Nga quan ngại
Theo TTXVN, động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo vào ngày 5/4 vừa qua.
Trong một phản ứng, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga, Victor Ozerov đã bày tỏ lo ngại về việc Mỹ triển khai một nhóm tàu sân bay đến gần bán đảo Triều Tiên có thể khiến Bình Nhưỡng phản ứng "thiếu suy nghĩ".
Theo ông Victor Ozerov, Bình Nhưỡng có thể vội vàng trong các hành động đáp trả nếu coi việc triển khai này là một mối đe dọa đến an ninh của Triều Tiên.
Ông Ozerov cho biết luật quốc tế không cấm các lực lượng hải quân Mỹ di chuyển tới bán đảo Triều Tiên, nhưng sự hiện diện quân sự của Mỹ sẽ không có lợi cho việc duy trì đối thoại với Bình Nhưỡng.
Thời gian qua, Bình Nhưỡng đã tiến hành một số vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân, khiến cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích và Liên Hợp Quốc siết chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt.
Mỹ sẵn sàng hành động đơn phương
Liên quan đến quan hệ Mỹ, Triều Tiên, ngày 2/4 vừa qua, Tổng thống Donald Trump nói Mỹ chuẩn bị sẵn sàng đơn phương đối phó với các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.
Cụ thể, ông Donal Trump nói với tờ Financial Times (Anh): “Nếu Trung Quốc không thể giải quyết vấn đề với Triều Tiên, chúng tôi sẽ làm chuyện đó. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói lúc này”, theo VOA.
Ông Trump cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng lớn với Triều Tiên. Nếu Trung Quốc giúp đỡ, điều đó sẽ tốt, còn ngược lại, sẽ "không tốt cho bất kỳ ai". Tổng thống Mỹ cũng cho biết, thương mại sẽ là động lực được Washington sử dụng để thúc ép Bắc Kinh hỗ trợ trong vấn đề Triều Tiên.
Khi được hỏi về khả năng rút binh sĩ khỏi bán đảo Triều Tiên để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẵn sàng hành động đơn phương trong vấn đề hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng nếu không nhận được sự hỗ trợ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, biện pháp có thể buộc Triều Tiên phải nhượng bộ trong chương trình hạt nhân và tên lửa không được ông Trump đề cập.
Liên quan đến vụ việc, ngày 9/4, Yonhap đưa tin, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster thông báo, Tổng thống nước này Donald Trump đã chỉ thị cho ông dự trù "một loạt lựa chọn" đối với các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân mà Triều Tiên gây ra cho Washington và các nước đồng minh.
Fox News Sunday dẫn lời ông McMaster cho biết, chỉ thị này là một quyết định "thận trọng" khi cùng ngày Mỹ đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tới bán đảo Triều Tiên trong một động thái nhằm cảnh báo Bình Nhưỡng không có thêm những hành động khiêu khích.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nêu rõ: "Triều Tiên đã có hành vi khiêu khích. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng thống Trump đã nhất trí rằng điều này là không thể chấp nhận được và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là điều phải diễn ra. Ngoài ra, Tổng thống cũng yêu cầu chúng tôi phải dự trù một loạt lựa chọn nhằm loại bỏ mối đe dọa này cho người Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác trong khu vực của chúng tôi."
Seoul mong giải quyết một cách hòa bình
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) ngày 10/4 cho biết nước này đã hạ thấp khả năng Mỹ sẽ tấn công phủ đầu Triều Tiên, đồng thời tuyên bố Seoul mong muốn giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên một cách hòa bình.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, người phát ngôn Lee Duck-hang của Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo: “Mỹ đã tuyên bố ủng hộ chính sách của Hàn Quốc đối với Triều Tiên và Chính phủ Hàn Quốc mong muốn giải quyết mọi vấn đề một cách hòa bình”.
Quan chức này còn nhấn mạnh rằng việc quan trọng hiện nay là duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên bằng cách giải quyết các vấn đề về tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng “một cách khôn khéo”, đồng thời cho biết Seoul sẽ tham vấn chặt chẽ với Mỹ và các nước láng giềng nhằm đạt được việc này.
Ông Lee cũng tuyên bố chính sách hiện nay của Chính phủ Hàn Quốc tập trung vào các biện pháp cấm vận và sức ép chống Triều Tiên. Ông nhấn mạnh: “Điều này không phải là để tạo ra khả năng xảy ra căng thẳng và đối đầu quân sự”.
Cũng trong ngày 10/4, Đặc phái viên về vấn đề hạt nhân của Trung Quốc, Vũ Đại Vĩ đã tới Hàn Quốc để thảo luận về các biện pháp liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Bộ Ngoại giao nước Hàn Quốc cho biết ông Vũ Đại Vĩ sẽ có cuộc gặp người đồng cấp Hàn Quốc Kim Hong - kyun vào chiều 10/4. Đặc phái viên Trung Quốc tới Hàn Quốc sau khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung tuần qua mà tại đó lãnh đạo hai nước đã đề cập nhiều nội dung liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên./.