![]() |
Đây không phải là lần đầu tiên phương tiện quân sự của Nga và NATO áp sát nhau.
Ngày 13/6, Sputnik dẫn tin từ ABCNews phản ánh: Vụ tiếp xúc giữa máy bay trinh sát Không quân Mỹ và chiến đấu cơ Nga trong không phận quốc tế trên Biển Đen là cực kỳ nguy hiểm vì máy bay Mỹ có khả năng cơ động kém.
Vụ việc được nói tới xảy ra gần đây khi chiến đấu cơ Nga đột nhiên áp sát một phi cơ trinh thám "lớn và vụng về" của Mỹ.
Kênh truyền hình cho rằng, máy bay Mỹ thiếu khả năng cơ động nhanh, luồng không khí do chiến đấu cơ gây ra khi tiếp cận máy bay trinh sát có thể tạo rắc rối phức tạp cho phi công Mỹ. Theo nhà báo, bằng cách này "các phi công Nga điêu luyện" thu thập thông tin về hệ thống vũ khí Mỹ.
Ngày 30/5 vừa qua, một chiến đấu cơ của Nga đã bay áp sát máy bay trinh sát Mỹ với cực li tối thiểu chỉ khoảng ba mét trong không phận quốc tế ở Biển Đen.
* Hồi tháng 3/2015, các phi cơ tiêm kích của NATO đóng căn cứ tại Litva đã cất cánh bay kèm máy bay Nga IL-78.
Chuyến bay đã được sự đồng ý, thông báo của Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Baltic cho biết.
"Phi cơ tiêm kích của khối Liên minh thực hiện sứ mệnh của cảnh sát đường không đã cất cánh hôm 10 tháng Ba để tháp tùng máy bay tiếp nhiên liệu IL-78 của Nga, thực hiện chuyến bay từ đại lục Nga tới khu vực Kaliningrad", cơ quan quân sự của nước Cộng hòa Baltic nói rõ.
Máy bay Nga đã bay trên biển Baltic trong vùng không phận quốc tế, Bộ Quốc phòng Litva khẳng định.
"Chuyến bay được thực hiện theo kế hoạch đã thống nhất từ trước với kết cấu phương tiện vận tải có thiết bị nhận dạng tự động, và duy trì liên lạc trên khoang", Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Baltic xác nhận.
* Trong một diễn biến liên quan, ngày 7/3/2015, Sputnik đưa tin rằng, các tiêm kích cơ mới nhất lớp Su-30 và máy bay tấn công ném bom Su-24 của không lực hải quân Hạm đội Biển Đen Nga đang theo dõi sự chuyển động của hai tàu NATO ở Biển Đen.
Hãng RIA Novosti cho biết theo một nguồn tin từ căn cứ hải quân Crưm, hai tàu của NATO — tuần dương hạm Vicksburg (Mỹ) và tàu khu trục Turgutreis (Thổ Nhĩ Kỳ) đang có mặt trên Biển Đen sẽ tiến hành hoạt động thao diễn chung ở phía tây nam vùng biển.
"Các tiêm kích cơ Su-30 sẽ quan sát hai tàu từ trên không và duy trì liên lạc với nhóm hải quân của Nga. Trước hết, phi công của chúng tôi sẽ theo dõi hướng chuyển động của các tàu NATO và giám sát các nhiệm vụ hành động của họ trên biển".
* Quan hệ giữa Nga và phương Tây thời gian qua vẫn căng thẳng do cuộc xung đột tại miền Đông Nam Ukraine, tờ "New York Times" của Mỹ số ra ngày 13/6 dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho hay Lầu Năm Góc đã sẵn sàng chuyển các vũ khí hạng nặng đến một số quốc gia Đông Âu và vùng Baltic.
Báo trên chỉ rõ Lầu Năm Góc đã có kế hoạch triển khai xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và chuyển các vũ khí hạng nặng tới căn cứ của các nước đồng minh. Số trang thiết bị này đủ để trang bị cho một lữ đoàn từ 3.000 đến 5.000 binh sĩ và tương tự với số vũ khí mà Mỹ đã duy trì tại Kuwait trong hơn 10 năm sau khi Iraq tấn công nước này. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại Bộ Quốc phòng Mỹ chưa có quyết định liên quan đến đề xuất trên.
Theo "New York Times", đề xuất này cần sự phê chuẩn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Nhà Trắng trước khi diễn ra hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 6 này tại Brussels, Bỉ. Kế hoạch của Lầu Năm Góc được cho là nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với các nước đồng minh châu Âu và nếu được thông qua, đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Washington triển khai trang thiết bị vũ khí hạng nặng tại lãnh thổ các thành viên mới của NATO tại Đông Âu, mà trước kia thuộc Liên bang Xô viết.
Theo TTXVN, Sputnik