![]() |
Bom nguyên tử chiến thuật thế hệ mới B61-12 của Mỹ. (Nguồn: dailymail.co.uk) |
Báo chí Đức ngày 21/9 cho biết, quân đội Mỹ và Đức đã bắt đầu các hoạt động lắp đặt hệ thống bom nguyên tử của Mỹ tại căn cứ không quân Buechel của ở bang Rheinland-Pfalz.
Theo tờ Focus của Đức, dự kiến sẽ có 20 quả bom B61-12, loại bom nguyên tử chiến thuật thế hệ mới của Mỹ, được lắp đặt tại Buechel. Số bom này có sức công phá tương đương với 80 quả bom đã từng được ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, các máy bay cường kích của Đức sẽ được phép sử dụng số bom này trong khuôn khổ một chiến lược chung của NATO mang tên “Can dự hạt nhân”.
Theo chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO, Mỹ đang triển khai bom hạt nhân tới nhiều quốc gia châu Âu. Ở lục địa già chỉ có Anh và Pháp có kho vũ khí hạt nhân riêng.
Cựu Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Đức Willy Wimmer cảnh báo việc lắp đặt hệ thống bom hạt nhân thế hệ mới của Mỹ tại Buechel là một hành động có tính khiêu khích trực tiếp đối với Nga.
Hồi tháng 3/2010, Quốc hội Đức từng đưa ra nghị quyết về việc Chính phủ Đức cần yêu cầu Mỹ rút dần vũ khí hạt nhân khỏi lãnh thổ Đức và Chính phủ Đức khi đó cũng đã nhất trí với kế hoạch này.
Nga xem xét đưa tên lửa sát châu Âu
Ngày 23/9, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov tuyên bố việc Đức cho bố trí vũ khí nguyên tử của Mỹ trên lãnh thổ nước này gây căng thẳng ở châu Âu, phá vỡ thế cân bằng chiến lược và buộc Nga phải có biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia của mình.
Ông Peskov nhấn mạnh kế hoạch của Đức và Mỹ không giúp củng cố ổn định cũng như tăng cường lòng tin và an ninh ở châu Âu, đáng tiếc là kế hoạch này đang từng bước được thực hiện và chắc chắn Nga phải có các biện pháp thích hợp để lập lại thế cân bằng.
Còn theo RIA Novosti, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Moscow rất lo ngại trước thông tin Mỹ sẽ triển khai 20 quả bom hạt nhân thế hệ mới tới lãnh thổ Đức.
Theo bà Zakharova, hành động mới này của Mỹ và Đức vi phạm Điều 1, Điều 2 trong Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân và các vũ khí hạt nhân phi chiến lược cần phải được đưa trở về lãnh thổ quốc gia chủ sở hữu.
Bà Zakharova cũng bày tỏ Nga đặc biệt quan ngại trước việc một nước không có vũ khí hạt nhân như Đức lại sẵn sàng đồng ý để một nước khác triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.
Trong khi đó, Interfax dẫn nguồn tin từ quân đội Nga tiết lộ Điện Kremlin đang xem xét đưa hàng loạt tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Iskander tới vùng Kaliningrad sát biên giới châu Âu để đối phó với vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Đức. “Chúng tôi sẽ phân tích chi tiết mối đe dọa và đưa ra quyết định cuối cùng” - một quan chức quốc phòng Nga cho biết.
An Bình (tổng hợp)