In bài viết

Mỹ: Số ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày cao kỷ lục

(Chinhphu.vn) - Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins tính đến 7h30 ngày 8/7 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, Mỹ phát hiện thêm 60.209 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là mức cao nhất trong một ngày mà Mỹ ghi nhận kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này.

08/07/2020 15:01
Nguồn: Getty Images
Như vậy, đến nay Mỹ có gần 3 triệu ca mắc COVID-19, cụ thể là 2.991.351 ca. Trong khi đó, số ca tử vong đang là 131.362 ca, tăng 1.114 ca trong 24 giờ qua. 

Dịch COVID-19 hiện nay đã lây lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cho đến nay, 11.920.632 người đã mắc phải căn bệnh này, 545.275 người đã chết vì đại dịch và 6.836.368 người khỏi bệnh.

Tình hình dịch COVID-19 ở Mỹ đã nóng trở lại kể từ tháng Sáu vừa qua, buộc chính quyền nhiều bang phải ngừng triển khai các kế hoạch mở cửa nền kinh tế.

Đặc biệt, ngày 7/7, cả 2 bang Texas và California đều ghi nhận số ca mắc bệnh ở mức trên 10.000 ca, mức cao nhất trong một ngày và vượt số ca nhiễm trong ngày cao nhất của bất kỳ quốc gia châu Âu nào trong giai đoạn đỉnh dịch.

Đáng chú ý, tại Texas, số trường hợp dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong những ngày đầu tháng này đã tăng lên 13%, so với 5% ở thời điểm cuối tháng Năm.

Trước Texas và California, Mỹ chỉ có 2 bang ghi nhận số ca mắc COVID-19 ở mức hơn 10.000 ca/ngày là Florida và New York. 

Nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan, chính quyền bang New York đã bổ sung 3 bang gồm Delaware, Kansas và Oklahoma vào danh sách các bang mà người dân phải thực hiện cách ly trong 14 ngày khi đến New York.

Như vậy, danh sách này của bang New York hiện có tổng cộng 19 bang. Hiện nhiều thành phố ở Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khi nhiều người phải xếp hàng chờ nhiều giờ đồng hồ mới được xét nghiệm.

Mỹ hiện tiến hành hơn 600.000 xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 mỗi ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng con số này vẫn chưa đủ so với tỷ lệ mắc COVID-19 cao trong nước.

Tại châu Âu, thống kê của hãng tin Pháp AFP cho thấy hơn 200.000 người đã tử vong do COVID-19 tại khu vực này. Anh và Italy là 2 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất trong khu vực với số ca tử vong lần lượt ở mức 44.391 ca và 34.899 ca, trong khi tổng số ca nhiễm tại lục địa này đã lên tới 2.751.606 ca.

Tại Italy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự báo sẽ giảm 11,2% trong năm 2020, mức giảm tồi tệ nhất trong Liên minh châu Âu (EU), sau đó sẽ tăng 6,1% trong năm 2021. Đây là ước tính tăng trưởng mới được đưa ra trong dự báo mùa hè do Ủy ban châu Âu (EC) công bố trong ngày 7/7. 

EC dự báo Tổng sản phẩm của Khu vực đồng euro (Eurozone) sẽ giảm 8,7% trong năm 2020 và tăng 6,1% vào năm 2021, trong đó Italy hứng chịu sự sụt giảm GDP tồi tệ nhất, sau đó là Tây Ban Nha (giảm 10,9%) và Pháp (giảm 10,6%). EC cho rằng dịch COVID-19 cùng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã khiến nền kinh tế Italy bị thiệt hại nghiêm trọng và biện pháp phong tỏa hoạt động sản xuất sẽ tác động mạnh tới hoạt động kinh tế trong quý II. Trong trường hợp làn sóng dịch bệnh lần hai không bùng phát trở lại, nền kinh tế Italy sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi các chính sách của chính phủ. Sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi nhanh hơn, song du lịch và các hoạt động, dịch vụ liên quan sẽ cần nhiều thời gian hơn để khôi phục. 

Iran: Số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục

Ngày 7/7, Iran thông báo có thêm 200 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Trung Đông này hồi tháng Hai.  Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Iran hiện lên tới 11.931 ca và số ca bệnh là 245.688.

Trong khi đó, Iraq đã mở lại một phần cửa khẩu Shalamcheh ở phía Nam giáp với Iran, sau 3 tháng đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tháng 3 vừa qua, Iraq đã đóng cửa biên giới trong và ngoài nước, chỉ cho phép lưu thông hàng hóa nhu yếu phẩm nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan. Iran là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Iraq. Trong khi Iran từng là tâm dịch tại Trung Đông, thì tình hình dịch bệnh tại Iraq cũng đang diễn biến phức tạp, với gần 2.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Iraq hiện ghi nhận tổng cộng 64.701 ca nhiễm, trong đó có 2.685 ca tử vong do COVID-19.  

Ấn Độ: Số ca tử vong lên trên 20.000

Ngày 7/7, Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong do bệnh COVID-19 tại nước này đã vượt 20.000 ca và số ca mắc bệnh tăng mạnh, trong bối cảnh nước này xúc tiến nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng dịch để nối lại hoạt động kinh tế. Tính đến thời điểm hiện tại, số ca tử vong do COVID-19 ở Ấn Độ đã lên tới 20.618 ca trong tổng số 739.646 ca nhiễm. Giới chức y tế Ấn Độ lo ngại số ca tử vong có nguy cơ tăng đáng kể trong tuần tới. Hiện số ca tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ cao thứ 7 trên thế giới, sau Mỹ, Brazil, Anh, Italy, Pháp và Tây Ban Nha. 

Cùng ngày, thủ đô tài chính Mumbai của Ấn Độ đã mở 4 bệnh viện dã chiến do số ca tử vong ở khu vực này chiếm 1/4 trong tổng số 20.100 ca tử vong trên toàn quốc và các bệnh viện trong thành phố đang trong tình trạng quá tải khi phải tiếp nhận tới hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày.

Trong khi đó, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo Trung Quốc đại lục đã có thêm 8 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 7/7 và đều là công dân từ nước ngoài về. Trong ngày 7/7, Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca tử vong nào do COVID-19. Tính đến hết ngày 6/7, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 83.565 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.528 bệnh nhân được chữa khỏi.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cùng ngày 7/7 cho biết đã ghi nhận thêm 44 ca mắc mới, trong đó có 20 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 13.181 ca. Số ca mắc mới giảm nhẹ so với ngày 6/7 với 48 ca, ngày 5/7 với 61 ca và các ngày 3/4/7 mỗi ngày 63 ca. 

Trong số ca lây nhiễm trong cộng đồng, 7 ca được ghi nhận tại tỉnh Gyeonggi gần Seoul, 6 ca tại thành phố Gwangju và 3 ca tại Seoul. Hàn Quốc cũng thông báo thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại nước này lên 285 ca. Trong khi đó, số ca bình phục và xuất viện tại Hàn Quốc tăng thêm 66 người lên 11.914 người.

Israel thông qua luật mới chống COVID-19

Ngày 7/7, Quốc hội Israel đã thông qua luật mới, cho phép chính phủ bỏ qua quyết định của cơ quan lập pháp liên quan đến cuộc chiến chống dịch COVID-19. Theo luật mới, chính phủ có thể ban bố tình trạng khẩn cấp và thay đổi các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 mà không cần phải chờ vấn đề này được đem ra tranh luận tại Quốc hội. Luật mới được thông qua một ngày sau khi Israel tái áp đặt một loạt biện pháp hạn chế, như đóng cửa các quán rượu, câu lạc bộ đêm, bể bơi công cộng, hủy các buổi hòa nhạc và sự kiện văn hóa.

Theo trang thống kê worldometers.info, tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tại Israel hiện là 32.222 ca nhiễm và 342 ca tử vong.

An Bình