Theo một tuyên bố của Nhà Trắng đưa ra sau một cuộc họp của Tổng thống Obama với các cố vấn an ninh quốc gia, ông Obama cũng kêu gọi các bên ở Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế, hành động trong khuôn khổ luật pháp và tránh các hành động sẽ dẫn tới bạo lực và bất ổn hơn nữa.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, trong đó cũng khẳng định Mỹ "tuyệt đối ủng hộ" chính phủ dân sự được bầu một cách dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ Mỹ sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc điều tra về vụ âm mưu đảo chính, đồng thời cảnh báo rằng những cáo buộc hoặc những phát biểu ám chỉ Mỹ liên quan đến vụ đảo chính trên là "hoàn toàn sai và sẽ gây tổn hại các mối quan hệ giữa hai nước".
Lên án âm mưu đảo chính
Trong một diễn biến liên quan, ngày 16/7, hầu hết các nước Trung Đông đã lên án âm mưu đảo chính quân sự do một nhóm binh sĩ và sĩ quan trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện ngày 15/7 nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, hai cường quốc khu vực là Iran và Israel đã bày tỏ hoàn toàn ủng hộ chính quyền Ankara sau khi xảy ra vụ đảo chính quân sự. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ca ngợi tinh thần của người dân Thổ Nhĩ Kỳ trong việc bảo vệ dân chủ cũng như chính phủ do họ bầu ra.
Theo ông Zarif, điều này cho thấy đảo chính không có chỗ đứng trong khu vực và sẽ sớm thất bại. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Emmanuel Nahshon cho biết: "Israel luôn tôn trọng tiến trình dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ và mong muốn thúc đẩy quan hệ giữa hai nước".
Saudi Arabia cũng hoan nghênh việc chính quyền Tổng thống Erdogan đã kiểm soát tình hình sau khi đập tan âm mưu đảo chính quân sự. Một quan chức Bộ Ngoại giao nước này cho biết Riyadh "đang theo dõi sát những diễn biến tại đất nước Thổ Nhĩ Kỳ anh em" và bày tỏ vui mừng khi tình hình đã trở lại bình thường dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Erdogan và chính phủ do dân bầu ra.
Qatar, một trong những đồng minh thân cận nhất của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng Vịnh, lên án âm mưu đảo chính quân sự, đồng thời gửi lời chúc mừng tới ông Erdogan sau khi tình hình đã được kiểm soát. Trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani cũng chúc mừng Tổng thống Erdogan đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo người dân - nhân tố góp phần đẩy lùi âm mưu đảo chính ngày 15/7.
Kuwait, Bahrain, Oman và Sudan cũng gửi thông điệp tương tự tới Thổ Nhĩ Kỳ, chúc mừng Tổng thống Erdogan và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đập tan âm mưu đảo chính của một nhóm binh sĩ và sĩ quan trong quân đội, đồng thời lên án mọi âm mưu đảo chính nhằm làm phương hại sự ổn định tại quốc gia láng giềng này.
Xem xét dẫn độ nếu có bằng chứng
Trước đó, một nguồn tin dẫn lời Bộ trưởng Lao động Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu ám chỉ Washington đứng sau vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ Fehullah Gulen - người đã sống lưu vong ở Mỹ trong nhiều năm - đứng sau âm mưu đảo chính, và Tổng thống Erdogan đã yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ này về Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Kerry, Mỹ sẵn sàng xem xét yêu cầu dẫn độ nếu Ankara cung cấp các bằng chứng xác đáng về cáo buộc đối với giáo sĩ Gulen. Trong khi đó, ông Gulen cũng lên án mạnh mẽ vụ đảo chính và phủ nhận những cáo buộc dính líu đến âm mưu này.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong cuộc điện đàm trên, ông Kerry và ông Cavosoglu cũng thảo luận về sự cần thiết phải tập trung vào cuộc chiến chống nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Liên quan vấn đề này, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội Mỹ đã tạm ngừng các cuộc không kích chống IS ở Syria và Iraq từ căn cứ không quân Incirlik tại tỉnh Adana miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ do lệnh phong tỏa an ninh được áp dụng tại đây sau vụ đảo chính.
Theo lệnh phong tỏa này, chính quyền địa phương không cho phép các máy bay cất cánh và hạ cánh ở căn cứ này, thậm chí cắt điện tại đây. Căn cứ này hiện đang được Mỹ và các lực lượng tham gia liên quân quốc tế chống IS tại Syria sử dụng để phục vụ các chiến dịch không kích.
Cùng ngày 16/7, Mỹ đã khuyến cáo công dân không tới Thổ Nhĩ Kỳ do những mối đe dọa gia tăng từ các nhóm khủng bố sau vụ đảo chính quân sự bất thành ở nước này.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ "cảnh báo công dân Mỹ về các mối đe dọa gia tăng từ các nhóm khủng bố trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt khu vực Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ". Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Mỹ nên cân nhắc lại nếu định đến Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm này.
Trước đó, chính phủ Mỹ đã tạm ngừng tất cả các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ cũng như cấm tất cả các hãng hàng không thực hiện các chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Mỹ, do những bất ổn sau vụ đảo chính nói trên.
Bắt giữ gần 6000 người chống đối
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin nhà chức trách nước này ngày 16/7 đã bắt giữ gần 3.000 người tình nghi âm mưu đảo chính quân sự, đồng thời ra lệnh bắt giữ gần 3.000 thẩm phán và công tố viên, sau khi tuyên bố đập tan vụ đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Tayyip Erdogan.
Một nhóm binh sĩ và sĩ quan quân đội âm mưu tiếm quyền đã phong tỏa một cây cầu ở thành phố Istanbul, bắn phá trụ sở cơ quan tình báo và quốc hội ở thủ đô Ankara đêm 15/7. Ít nhất 265 người đã thiệt mạng trong vụ âm mưu đảo chính này.
Tổng thống Erdogan đang có kỳ nghỉ ở Địa Trung Hải đã trở về Istanbul và kêu gọi người dân ủng hộ chính phủ. Thủ tướng Binali Yildirim ngày 16/7 tuyên bố "tình hình đã hoàn toàn được kiểm soát". Tổng thống Erdogan khẳng định những kẻ âm mưu đảo chính "sẽ phải trả giá đắt cho việc này".
Tổng thống Erdogan khẳng định những người ủng hộ giáo sĩ Gulen đứng sau vụ đảo chính. Theo ông Erdogan, giáo sĩ Gulen tìm cách thiết lập một "cấu trúc song song" trong bộ máy tư pháp và quân đội nhằm tìm cách lật đổ chính quyền.
Trước tình hình đất nước rơi vào hỗn loạn, ngày 16/7 Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một phiên họp bất thường. Phiên họp được bắt đầu bằng phút mặc niệm tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng trong vụ đảo chính.
Cùng ngày, hàng nghìn người dân đã đổ ra khắp các đường phố của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia mít tinh thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Erdogan./.