Theo bà, các luật lệ này “không chấp nhận sự đe dọa, ngăn chặn việc nước lớn bắt nạt nước nhỏ và thiết lập cách để giải quyết xung đột một cách hòa bình”. Bà Rice cũng khẳng định các liên minh quân sự của Mỹ tại châu Á sẽ tiếp tục là nền tảng để duy trì ổn định ở khu vực.
Trong bài phát biểu, bà Rice cũng nhấn mạnh vào trụ cột của chiến lược là “huy động các liên minh” và coi đây là trụ cột chính của chính sách an ninh toàn cầu của Mỹ. Theo bà Rice, chính sách này không mới nhưng các liên minh của Mỹ trong tương lai sẽ “linh động hơn” so với trước. “Khi chúng ta thúc đẩy hành động tập thể, chúng ta sẽ có kết quả có tính pháp lý, bền vững cao hơn và ít tốn kém hơn” - bà Rice nhấn mạnh.
Theo bà Rice, yếu tố quan trọng trong chiến lược Tái cân bằng châu Á của Mỹ là hợp tác với các đối tác để tăng cường những thể chế khu vực và chuẩn mực quốc tế. Đó là lý do Mỹ đang làm việc với ASEAN để thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), giúp tăng cường an ninh hàng hải, củng cố luật pháp quốc tế cũng như các quy tắc trong khu vực. Bà Rice nói thêm rằng cam kết an ninh giữa Mỹ với các đồng minh là bất khả xâm phạm và được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự của Mỹ.
Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) hôm 9/6 cho biết, Washington hiểu được có mối quan ngại lan rộng trong khu vực, khi các nước nhỏ hơn bị hăm dọa. Việc ép buộc hay đe dọa sử dụng vũ lực để đạt được những yêu sách lãnh thổ là không thể chấp nhận được.
* Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Edwin Lacierda vừa tuyên bố “Manila sẽ không có sự thỏa hiệp nào trước Bắc Kinh trong vụ kiện về vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông, cho dù quan hệ kinh tế song phương là hết sức quan trọng”.
Tờ The Philippine Star hôm 12/6 dẫn lời ông Lacierda nhấn mạnh “Về vấn đề Biển Đông (Philippines gọi là biển Tây Philippines), chúng ta vẫn giữ vững lập trường và phải nhờ đến sự phân xử của tòa án. Điều này không thể làm khác được”.
Ông Lacierda khẳng định, quan hệ kinh tế với Trung Quốc không thể ngăn Manila nộp đơn kiện Bắc Kinh lên tòa án quốc tế, đồng thời cho rằng, hoạt động thương mại và đầu tư song phương cần được xem xét lại. Phát biểu của ông Lacierda được đưa ra không lâu sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Manila Triệu Giám Hoa tuyên bố tranh chấp biển đảo giữa hai nước chỉ là “tạm thời”, đồng thời cam đoan tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Philippines đáp trả quan điểm của Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh cho rằng việc thay đổi hiện trạng mà họ đang làm ở Trường Sa không liên quan đến Manila.
Charles Jose, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, nói: "Bất cứ điều gì ảnh hưởng tới khả năng thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán tại khu vực hàng hải mà chúng tôi tuyên bố chủ quyền là việc của chúng tôi. Bất cứ điều gì làm đảo lộn hòa bình và ổn định khu vực là việc của chúng tôi. Bất cứ điều gì gây căng thẳng trong khu vực là việc của chúng tôi".
Theo những bức ảnh Manila mới công bố và phân tích từ giới chuyên gia về Gạc Ma, dường như Trung Quốc có ý định biến bãi đá thành một hòn đảo nhân tạo và có thể xây dựng đường băng trên đó. Bắc Kinh ngang ngược cho rằng Trung Quốc có quyền làm điều gì họ muốn và chuyện đó chẳng liên quan đến Philippines.
Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định sẽ phản đối Trung Quốc về mặt ngoại giao sau khi xác nhận hành vi của nước này trên Biển Đông.
Ngày 12/6, các thành viên thuộc đảng liên minh với Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã xuống đường biểu tình phản đối các động thái gây bất ổn của Trung Quốc trên Biển Đông, trong ngày kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 116 của Philippines.
"Hành động hung hăng ngày càng tăng của chính phủ Trung Quốc ở vùng biển Tây Philippines (Biển Đông) xúc phạm trực tiếp đến nền độc lập và chủ quyền của Philippines. Chúng tôi kêu gọi người dân Philippines tiến hành một cuộc cách mạng mới chống lại sự xâm lược và bành trướng của Trung Quốc", Rafaela David, một thành viên của Đảng Akbayan, cho hay.
Đây là cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc mới nhất trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Philippines. Trước đó, các thành viên của Đảng Akbayan cùng nhiều người Việt Nam từng tham gia một cuộc biểu tình chung tại thủ đô Manila, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi thềm lục địa Việt Nam.
Roilo Golez, cựu cố vấn An ninh quốc gia của Philippines, người tham gia cuộc biểu tình, nhận định một đường băng do Trung Quốc xây dựng ở bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (tên quốc tế là Johnson South Reef) sẽ là "một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Philippines và khu vực".
Nguyễn Đức (tổng hợp)