In bài viết

NAFIQAD thừa nhận 2 "nỗi khổ" của DN thủy sản

(Chinhphu.vn) - Bộ KHĐT đã chỉ ra hàng loạt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm cho thủy sản xuất khẩu.

04/07/2015 15:01
Nhiều doanh nghiệp phải đợi hàng tháng để lấy chứng nhận ATTP từ trụ sở Nafiqad tại Hà Nội-Ảnh minh họa

Theo Bộ KHĐT, vướng mắc thứ nhất là quy định “nguyên liệu hải sản nhập khẩu để chế biến hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu phải được khai thác, vận chuyển bởi tàu cá có code EU hoặc được kiểm tra, chứng nhận bởi cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu tương đương với EU”.

Bộ KHĐT cho rằng đây là quy định bất hợp lý bởi số lượng các tàu cá rất ít và thậm chí không thể có trong nhiều trường hợp; các nước trong khu vực xuất khẩu sang EU (như Thái Lan) cũng không có quy định nào như vậy.

Thứ hai, tỷ lệ lấy mẫu để kiểm tra quá lớn so với nguyên tắc thẩm tra và so với quy định hiện hành của các nước tại EU, Mỹ, Canada, Thái Lan,… Theo Thông tư 48, tỷ lệ lấy mẫu căn cứ trên “số lô sản xuất” (lô hàng sản xuất là lô hàng được sản xuất trong thời gian không quá 24 giờ tại một cơ sở), không phải là “lô xuất khẩu”, do vậy quy mô “số lô” tính toán sẽ cao lên nhiều. Việc chuyển từ lấy mẫu theo “lô xuất khẩu” sang “lô sản xuất” làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp từ 1,2 - 1,5 lần.

Thứ ba, mặc dù Thông tư 48 có hiệu lực từ cuối 2013, nhưng Bộ NNPTNT chưa có văn bản hướng dẫn để các doanh nghiệp được hưởng quyền lợi ưu tiên khi doanh nghiệp đã có các chứng nhận quốc tế (BAP, ASC, GlobalGAP....) mà VietGAP cũng đang đề nghị  được hài hòa, công nhận với các tiêu chuẩn này.

Một vấn đề khác là thủ tục về Cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm được thực hiện tại Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) tại Hà Nội, mà không ủy quyền cho các cơ quan Vùng của Cục. Quy định này đang tạo nhiều bất cập và khó khăn cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là thủ tục này khá phức tạp và gây khó khăn cho các doanh nghiệp ở xa. Thời gian doanh nghiệp phải chờ đợi có khi lên đến cả tháng.

Những khó khăn, vướng mắc này được Bộ KHĐT chỉ ra khi báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trước những vướng mắc này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQAD cho biết, hiện các quy định Thông tư này đưa ra dựa trên nền tảng yêu cầu của phần lớn các nước nhập khẩu.

Trong số các vấn đề Bộ KHĐT nêu, ông Tiệp thừa nhận sự bất hợp lý của 2 vấn đề về công nhận các chứng chỉ tương đương và việc không ủy quyền cho các cơ quan vùng của NAFIQAD gây khó cho doanh nghiệp. NAFIQAD cam kết sẽ tiếp thu và xử lý ngay trong tuần này.

“Trong tuần này chúng tôi sẽ có văn bản ủy quyền cho các cơ quan vùng để thực hiện ngay”, ông Tiệp khẳng định.

 Là đơn vị chủ trì soạn thảo Thông tư 48, NAFIQAD cũng đang yêu cầu Tổng cục Thủy sản sớm ra văn bản hướng dẫn việc công nhận các chứng chỉ tương đương VietGAP.

Nguy cơ đóng cửa thị trường

Tuy nhiên, với 2 vấn đề là quy định tàu có Code EU và việc lấy mẫu kiểm tra, NAFIQAD vẫn giữ quan điểm cũ và sẽ thực hiện trách nhiệm giải trình để các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp hiểu rõ, áp dụng thực hiện.

Giải thích cặn kẽ hơn về việc yêu cầu sản phẩm thủy sản xuất khẩu đi EU thì phải từ tàu cá được cấp code châu Âu, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết đây là yêu cầu thị trường. Các tàu đủ điều kiện là các tàu cá được cấp code EU và các tàu cá được giám sát theo các quy định của châu Âu.

“Nếu không thực hiện nghiêm chỉnh, khi các cơ quan chức năng của EU phát hiện sai phạm thì sẽ không chỉ đình chỉ việc xuất khẩu của một doanh nghiệp mà sẽ đóng cửa toàn thị trường đó. Như vậy việc thực hiện quy định này là vì sự an toàn của toàn thị trường chứ không thể theo ý kiến đơn lẻ của một doanh nghiệp nào”, Bộ trưởng nói.

Vẫn theo Bộ trưởng, hiện nay có 45 nước/120 nước nhập khẩu có yêu về giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu. Nếu không làm nghiêm túc việc này, nguy cơ đóng cửa cả một thị trường nhập khẩu thủy sản lớn là rất cao.

Về việc việc lấy mẫu, ông Tiệp giải thích: “Trước đây phân tích lấy mẫu thường mất từ 3 -5 ngày mới có kết quả. Nhưng hiện nay khi đổi mới phương thức kiểm tra là lấy mẫu tại thời điểm bất kỳ thì có thể cấp giấy chứng nhận ngay trong ngày”.

Về ý kiến cách lấy mẫu mới làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, ông Tiệp khẳng định theo số liệu thống kê của NAFIQAD hiện nay tổng số mẫu đã giảm 30%, tương ứng giảm số tiền 30%. Như vậy là tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

 Đỗ Hương