![]() |
Kinh tế châu Âu năm 2010 được dự báo tăng trưởng 0,7%. Ảnh minh họa |
Cuộc khủng hoảng tài chính, bắt nguồn từ Mỹ từ tháng 9/2008 và sau đó nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu, đã đẩy Liên minh châu Âu (EU) vào cuộc khủng hoảng kinh tế sâu nhất, dài nhất và quy mô lớn nhất trong lịch sử của khối này.
Theo ước tính của Ủy ban châu Âu (EC), kinh tế EU có thể giảm 4,1% trong năm 2009 (trong khi Mỹ giảm 2,5%), mức giảm mạnh nhất kể từ Thế chiến II, trong khi nguồn dự trữ mất đi khoảng 5% kể từ khi suy thoái bắt đầu trong quý II/2008 hoặc nhiều gấp 4 lần mức thiệt hại trung bình của 3 cuộc suy thoái trước đó.
Kinh tế Mỹ suy thoái đã gây hiệu ứng domino sang các khu vực khác, nơi có nhiều khó khăn nội tại và bị tác động chậm hơn nên chưa có hy vọng chạm đáy và hồi phục nhanh như Mỹ. Điển hình là khối kinh tế châu Âu vì họ sẽ chật vật hơn và thất nghiệp còn tăng trong khi đã bắt đầu giảm tại Mỹ. Riêng các nước Nam Âu (Italia, Tây Ban Nha), Bắc Âu (Ireland) và Đông Âu như Rumani hay Hungary còn chưa ra khỏi "bão".
Các ngân hàng châu Âu có vấn đề trầm trọng hơn hệ thống ngân hàng Mỹ mà đến nay vẫn chưa kiện toàn chấn chỉnh. Khoảng hơn 1.000 tỷ euro tài sản, tương đương 1.400 tỷ USD, thuộc loại “có vấn đề”, nhưng mới 50% được kiểm tra và xác định là bị lỗ…
Nhưng may mắn là từ mùa Hè năm 2009, các chỉ số lòng tin cũng như một số số liệu quan trọng khác đã tăng trở lại hoặc có dấu hiệu cải thiện. Sau 4 quý tăng trưởng âm liên tiếp, kinh tế EU đã tăng trưởng dương trở lại 0,4% quý III/2009, đặt dấu chấm hết cho cái gọi là “Đại suy thoái”.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế EU còn mờ mịt do sự hồi phục dù có mạnh hơn dự kiến nhưng vẫn chỉ là nhờ những gói kích thích của các chính phủ và ngân hàng trung ương.
Nhiều nhà phân tích cho rằng “đã thấy ánh sáng cuối đường hầm” nhưng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Pháp, Đức, Anh vẫn còn mong manh, trong khi nạn thất nghiệp tiếp tục lan rộng. Theo Economist Intelligence Unit (EIU), GDP của Pháp sẽ tăng 0,9% năm 2010. Đức tăng trưởng yếu hơn với mức dự báo 0,8% , trong khi nước Anh chỉ đạt mức tăng 0,6%.
EC dự đoán kinh tế EU sẽ tăng khoảng 0,7% trong năm 2010 và 1,6% năm 2011, thấp hơn nhiều so với mức tương ứng 3% trong những năm trước khi xảy ra khủng hoảng.
Ba nguy cơ lớn
Trong bối cảnh hồi phục kinh tế còn chưa chắc chắn, EU đang phải đối mặt với 3 nguy cơ lớn trước mắt, đó là hệ thống tài chính còn dễ bị tổn thương, thâm hụt tài chính phình to và tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng.
Mặc dù chính phủ các nước châu Âu rót hàng tỷ euro để cứu hệ thống tài chính, nhưng các thị trường tài chính châu Âu còn khá căng thẳng. Thêm vào đó, thị trường thế giới lại vừa “sốc” do vụ khủng hoảng nợ Dubai.
Một nguy cơ khác là thâm hụt tài chính công của EU tăng đột biến do các gói kích thích kinh tế và cứu trợ tài chính của chính phủ. Tổng thâm hụt ngân sách của EU dự kiến sẽ tương đương với 7,5% GDP của khối này trong năm 2010, cao hơn nhiều so với quy định là không được vượt quá 3% GDP theo Hiệp ước tăng trưởng và ổn định của khu vực. Tương tự, nợ công của EU có thể cũng ở mức tương đương 79,3% GDP.
Suy thoái đã gây ra sự sa sút của thị trường lao động. Trong năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp trong EU đã tăng lên mức 9,3% và theo ước tính sẽ còn tăng lên 10,3% vào năm 2011. Nạn thất nghiệp tăng làm giảm chi tiêu tiêu dùng, vốn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
![]() |
GDP của Pháp ước tăng 0,9% trong năm 2010. |
2010 được dự báo là một năm thử thách và có tính chất quyết định đối với nền kinh tế EU để có thể đảm bảo đà phục hồi, khi vẫn nhiều nguy cơ rình rập.
Trong thông điệp phát trên truyền hình nhân dịp Năm mới, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II mà nước này đang phải đối mặt sẽ tiếp diễn trong năm 2010. Chính phủ Đức dự báo kinh tế nước này sẽ tăng 1,2% trong năm 2010.
2010 cũng được coi là năm đánh dấu sự chuyển biến trong việc cải tổ lĩnh vực tài chính. EU đang xem xét lại cơ cấu giám sát thị trường tài chính khu vực.
Nhằm hướng tới sự ổn định của các thị trường tài chính châu Âu trong tương lai, một Ủy ban rủi ro hệ thống mới sẽ quản lý các rủi ro vĩ mô và đưa ra cảnh báo cũng như đề xuất hành động nếu là rủi ro lớn. Các Bộ trưởng Tài chính EU hồi tháng 10/2009 đã quyết định bắt đầu củng cố lại lĩnh vực tài chính, muộn nhất là vào đầu năm 2011.
Hơn thế nữa, các quốc gia nhiều nợ nần phải bắt đầu thu hẹp thâm hụt ngân sách trước năm 2011. Điều này có nghĩa là các nước thành viên EU phải xem xét chấm dứt các gói kích thích kinh tế ngay từ đầu năm 2010. Tuy nhiên, việc rút các gói kích thích ngay từ đầu năm lại có thể ảnh hưởng tới quá trình hồi phục kinh tế.
Khác với các nền kinh tế Mỹ và châu Á, để phục hồi bền vững cần phải thúc đẩy trị trường nội địa và mở rộng xuất khẩu, các nền kinh tế châu Âu, vốn đặt trọng tâm vào thị trường nội khối, vẫn cần tiếp tục xu hướng này mà không thể trông chờ vào thị trường Mỹ hay Trung Quốc, bởi lẽ 1,3 tỷ người Trung Quốc chỉ có sức tiêu thụ bằng 15% của 300 triệu người Mỹ hay chỉ bằng 1/3 của 400 triệu người châu Âu.
Tóm lại, nếu năm 2009, châu Âu “rơi xuống đáy”, thì năm 2010, “lục địa già” sẽ từng bước “leo được lên bờ vực” và chuẩn bị cho một đợt tăng tiến mới nếu được chuẩn bị tốt về nhiều mặt, từ pháp lý đến thể chế, từ quy mô quốc gia đến toàn khối.
Linh Đức