Đầu tư cho bảo tồn nguồn nước giúp Trung Quốc khắc phục tình trạng thiếu nước đe dọa sản xuất của quốc gia này
(Ảnh: Xinhua) Trong đó, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hơn 100 tỷ NDT vào các kế hoạch dự trữ nước, tăng 70,5% so với năm trước.
Theo ông Chen Lei - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, khoản kinh phí đầu tư cho các nỗ lực dự trữ nước được cải thiện đáng kể, vì nước này đã phê duyệt 10% nguồn thu từ chuyển đổi ruộng đất để dành cho công tác tưới tiêu các diện tích đất canh tác và xây dựng các kế hoạch dự trữ nước.
Bên cạnh đó, một phần đầu tư không nhỏ cũng đã được sử dụng nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước sinh hoạt cho hơn 63 triệu dân nông thôn.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã cung cấp được nước sạch cho 20,55 triệu người bị ảnh hưởng bởi hạn hán và đảm bảo tưới tiêu cho 320 triệu mus (21,22 triệu hecta) đất nông nghiệp trong các khu vực bị tác động bởi hạn hán, ông Chen cho biết.
Khả năng đối phó với lũ lụt của Trung Quốc cũng đã được tăng cường trong năm 2011 này và không có một đập lớn hoặc hồ chứa nào có dấu hiệu hư hỏng hoặc phá vỡ.
Các thiệt hại do thảm họa tự nhiên gây ra cũng giảm xuống từ 50-80% so với năm trước, trong khi số lượng các nạn nhân do lũ lụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1949.
Trước đây không lâu, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cũng thông báo cho biết, nước này đầu tư đến 4.000 tỷ NDT (tương đương 600 tỷ USD) trong vòng 10 năm tới để khắc phục tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đe dọa sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Theo Bộ Nguồn nước Trung Quốc, phát triển kinh tế trong hơn 3 thập kỷ qua đã khiến 40% sông ở nước này ô nhiễm nghiêm trọng, khiến Trung Quốc chịu sức ép lớn về nguồn cung nước. Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực khắc phục tình trạng ô nhiễm trong 5 năm qua nhưng chưa đạt được nhiều kết quả. 60% sông còn lại ở đây vẫn mới chỉ đạt được tiêu chuẩn cơ bản về chất lượng nguồn nước. Ngoài ra, về tổng quan, Trung Quốc có đủ nguồn nước phục vụ phát triển, nhưng lại có sự phân hóa rõ rệt giữa miền Bắc và miền Nam./. |