In bài viết

Năm 2017, thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm bền vững

(Chinhphu.vn) - Nỗ lực tạo việc làm, ổn định thị trường lao động, giảm nghèo bền vững, chăm lo tốt hơn cho người có công, người cần trợ giúp xã hội… là những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ LĐTB&XH tập trung thực hiện trong năm 2017.

13/01/2017 12:00
Ảnh: VGP/Đình Nam
Ngày 13/1, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá và thực hiện mục tiêu nhiệm vụ năm 2016 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Nỗ lực tạo việc làm, ổn định thị trường lao động

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, năm 2016, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án về việc làm, phát triển thị trường lao động. Theo dõi, nắm chắc cung-cầu lao động, diễn biến thị trường lao động trong nước; cập nhật tình hình lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm, biến động lao động trong các doanh nghiệp; nắm bắt nhu cầu tuyển dụng và sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động.

Cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 1,64 triệu người, đạt 102,5% kế hoạch và tăng 1% so với thực hiện năm 2015. Trong đó, tạo việc làm trong nước cho 1,51 triệu người, xuất khẩu lao động 126.000 người. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2016 là 2,03%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%, khu vực nông thôn là 1,86%.

Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu lao động năm 2016 đã đạt kỷ lục về số lượng người đi làm việc ở nước ngoài với hơn 126.000 người, nhiều thị trường mới được mở cửa.

Bộ đã đàm phán, ký kết và triển khai Bản ghi nhớ bình thường với Hàn Quốc về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài sau 4 năm tạm ngừng. Bộ cũng trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hợp tác lao động Việt Nam-Malaysia và Kế hoạch triển khai thỏa thuận lao động Việt Nam-Thái Lan… Đồng thời tăng cường đào tạo nghề cho người lao động để đáp ứng yêu cầu về chất lượng lao động của thị trường trong nước và thị trường lao động quốc tế.

Về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, Bộ đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, nhất là công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Theo báo cáo của các địa phương, cả năm 2016 có hơn 574.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 12,06% so với cùng kỳ năm 2015.

Diễn đàn Quan hệ lao động Việt Nam cũng được tổ chức để thực hiện các giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh, giảm thiểu tranh chấp lao động, đình công; qua đó, số cuộc đình công trong cả nước đã giảm 3 cuộc so với cùng năm 2015 (năm 2016 cả nước xảy ra 242 cuộc đình công).

Bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

Song song với nhiệm vụ tạo việc làm, ổn định thị trường lao động, Bộ LĐTB&XH cũng thực hiện nhiều chính sách để bảo đảm an sinh xã hội. Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, qua kết quả tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, Bộ đã xác định mục tiêu ưu tiên giải quyết hồ sơ còn tồn đọng, nhất là đối với các trường hợp không còn giấy tờ, xây dựng quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng và tổ chức thực hiện thí điểm tại 5 địa phương (Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An). Đến nay, cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ: Tỉnh Lai Châu và Bắc Kạn không có hồ sơ, Đà Nẵng có 14 hồ sơ, Thái Bình có 23 hồ sơ và Long An có 13 hồ sơ.

Ước đến cuối năm 2016, có 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.

Thực hiện đầy đủ chính sách an sinh xã hội, phúc lợi, đã ban hành cho 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp thường xuyên với kinh phí gần 15.000 tỷ đồng. Thực hiện cải cách hành chính, đến cuối năm 2016 đã có 45 tỉnh, thành phố chuyển chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện.

Về thực hiện kế hoạch chăm lo Tết cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội, năm 2016, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp hơn 67.000 tấn gạo giúp hơn 3,4 triệu người thiếu lương thực do thiên tai, tăng gấp 2 lần bình quân các năm trước.

Năm 2016, cơ bản bảo đảm các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, 81% người cao tuổi, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng. Đặc biệt, đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về đối tượng bảo trợ xã hội trên phạm vi cả nước.

Năm 2016 cũng là năm hoàn thành tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 (lần đầu tiên đã xây dựng được cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi cả nước).

Theo kết quả tổng điều tra, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cả nước là 15,14%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 9,88%. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước cuối năm 2016 giảm khoảng 1,3-1,5% so với cuối năm 2015 (còn khoảng 8,58-8,38%); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm khoảng 4% (còn khoảng 46,4%), đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm

Điểm lại những chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao trong năm 2017 như: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55-57% (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 22,5%); giảm tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 từ 1-1,5%, trong đó các huyện nghèo giảm 4%... có thể thấy Bộ LĐTB&XH cần nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành.

Thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017, Bộ LĐTB&XH xác định tập trung vào những hoạt động chủ yếu là mở rộng, ổn định thị trường lao động, giảm nghèo bền vững và chăm lo tốt hơn cho người có công, người cần trợ giúp xã hội.

Cụ thể: Bộ sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển thị trường lao động ngoài nước; triển khai Bản ghi nhớ về Chương trình EPS đã ký với Hàn Quốc; đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với  Isarel; triển khai Chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ tại Australia…

Bên cạnh đó, để ổn định thị trường lao động, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương theo nguyên tắc thị trường gắn với tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh; thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động. Tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lao động, tiền lương; thực hiện cơ chế đối thoại và thỏa thuận về tiền lương. Chủ động theo dõi, nắm bắt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan xử lý kịp thời các tranh chấp lao động nhằm giảm thiểu các vụ đình công, lãn công của người lao động.

Đặc biệt, qua kết quả tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, trong 2 năm 2014-2015, Bộ đã xác định mục tiêu ưu tiên tập trung giải quyết hồ sơ còn tồn đọng, nhất là đối với các trường hợp không còn giấy tờ; xây dựng quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng và tổ chức thực hiện thí điểm tại 5 địa phương (Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An). Đến nay cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ, qua đó đã tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tập trung nguồn lực, trước hết vào thực hiện ở những nơi khó khăn nhất, nghèo nhất để giảm nghèo bền vững; tổng kết các mô hình giảm nghèo, an sinh xã hội đã và đang thực hiện có hiệu quả ở địa phương để có cơ sở hoàn thiện và nhân rộng ra các địa phương khác. Huy động các nguồn lực xã hội chung tay vì người nghèo.

Thu Cúc