In bài viết

Năm 2024: Xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tăng trên 18%

(Chinhphu.vn) - Năm 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt trên 62 tỷ USD tăng trên 18% so năm 2023, với 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

16/12/2024 18:55
Năm 2024: Xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tăng trên 18%- Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Hôm nay (16/12), Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 50-51 tỉ USD và đạt 60-62 tỉ USD vào năm 2030. Tuy nhiên tính đến nay, giá trị xuất khẩu đã vượt xa mục tiêu đề ra, đạt hơn 62 tỷ USD; trong đó, giá trị thặng dư thương mại đạt trên 6 tỷ USD. Kết quả này có sự đóng góp tích cực của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở cửa thị trường, đưa thuế quan nhiều mặt hàng xuống thấp hoặc về 0%. Song song đó, công tác đàm phát mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại cũng được các bộ, ngành tích cực triển khai, giúp nông sản, đặc biệt là trái cây Việt Nam ngày càng vươn xa.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc cho hay: Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Trong đó, nhóm hàng thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại bị cảnh báo nhiều nhất.

Theo đó, Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc khuyến cáo các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng hàng xuất khẩu. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin đến doanh nghiệp về quy định, tiêu chuẩn chất lượng, ATVSTP của nước nhập khẩu.

Đối với các doanh nghiệp, ông Lai cho rằng, cơ hội để sản phẩm của chúng ta xuất khẩu vào thị trường 1,4 tỷ dân này còn rất nhiều. Tuy vậy, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu; chú trọng xây dựng thương hiệu; cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường nước nhập khẩu...

Ông Lai cũng lưu ý các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tìm kiếm đối tác cần phải được trang bị thêm kiết thức, năng lực về thương mại điện tử, giao tiếp với đối tác trên mạng xã hội... "Khi kết nối, làm việc với các đối tác qua mạng xã hội, chúng ta cần xác minh kỹ nhiều chiều. Các đơn vị có thể nhờ các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc hoặc nhờ bạn hàng của mình xác minh thông tin kỹ trước khi ký kết hợp đồng giao dịch để giảm rủi ro", ông Lai nói thêm.

Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc nêu thực trạng vẫn còn một số doanh nghiệp gặp vấn đề khi làm ăn với bạn hàng vì nhiều nguyên nhân. "Có doanh nghiệp gặp chúng tôi đề nghị giúp đỡ nhưng khi xem hợp đồng chỉ có vài tờ giấy A4 rất sơ sài, thông tin không rõ ràng, pháp lý không chặt chẽ nên rất khó để giải quyết", ông Lai nói và khuyến cáo, khi đã kết nối được với đối tác, các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị hồ sơ, hợp đồng bài bản, kỹ lưỡng sẽ giúp việc hợp tác làm ăn thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn.

Năm 2024: Xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tăng trên 18%- Ảnh 2.

Mục tiêu đặt ra cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2025 là 55 tỷ USD. Tuy nhiên tính đến nay, giá trị xuất khẩu đã vượt xa mục tiêu đề ra, đạt hơn 62 tỷ USD - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị trong thời gian tới để tiếp tục duy trì ổn định sản xuất và xuất khẩu, các cơ quan ban ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Qua đó vừa giúp đảm bảo sản xuất, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào để góp phần kiểm soát lạm phát. Trong đó, các đơn vị cần tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi biển, thực hiện nghiêm các qui định kỹ thuật trong xuất khẩu.

Đồng thời bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chế biến, phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics…

Cũng theo ông Phong, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung tháo gỡ và mở thêm các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi... Trong đó, các hiệp hội ngành hàng phải giữ vai trò đầu tàu trong hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng việc tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng, năng lực sản xuất kinh doanh của người sản xuất, kinh doanh nông sản trong tiếp cận thông tin thị trường, sản xuất theo tín hiệu thị trường, bảo vệ thương hiệu sản phẩm trước những vụ kiện về phòng vệ và tranh chấp thương mại quốc tế.

Đỗ Hương