In bài viết

Nam Bộ cần phát triển doanh nghiệp trong HTX

(Chinhphu.vn) - Chiều 28/6 tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật HTX năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp tại vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

28/06/2017 19:13
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các ban Đảng, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo của 19 tỉnh, thành phố trong hai vùng.

Thực hiện Luật HTX năm 2012, có 7/19 tỉnh ủy, thành ủy, 3/19 HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết triển khai Luật; 17/19 tỉnh ban hành đề án và kế hoạch phát triển kinh tế tập thể; 8/19 tỉnh, thành phố ban hành chính sách hỗ trợ HTX của địa phương. Còn lại các tỉnh đều ban hành văn bản hướng dẫn Luật.

Các địa phương đã lồng ghép các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp giúp các HTX nông nghiệp đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Như TPHCM hỗ trợ gần 600 triệu đồng cho 26 HTX nông nghiệp thuê 49 cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc. Tỉnh Đồng Tháp điều động 15 cán bộ kỹ thuật nông nghiệp về làm phó giám đốc HTX. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã hỗ trợ HTX thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản với số vốn hàng trăm triệu đồng.

Vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ có nhiều năng lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nhưng số lượng HTX đạt hơn 1.600 HTX, chiếm tỉ lệ rất nhỏ (15,14%) so với tổng số HTX trong cả nước. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động được đánh giá tốt hơn các vùng khác khi quy mô vốn bình quân cao hơn và tỉ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt gần 42% (cả nước là 30%), kết nối HTX và doanh nghiệp đạt 87% (cả nước bình quân chỉ có 11,92%). Ngoài ra, số lượng tổ hợp tác cao nhất cả nước với 22.000 tổ hợp tác, chiếm 35% so với cả nước.

Tiêu biểu có HTX bò sữa Sóc Trăng đã thành công chọn đối tượng con bò sữa ở khu vực không có lợi thế sản xuất mà hơn 10 năm qua tăng gấp 10 lần số xã viên, 10 lần đàn bò (hiện đang có 6.000 con) ở vùng có 90% là đồng bào Khmer, bảo đảm được lợi ích xã viên, các hộ chăn nuôi trong bối cảnh giá sữa diễn biến có nhiều bất lợi.

Đánh giá cao nỗ lực của các tỉnh, thành phố trong vùng Nam Bộ về phát triển HTX theo luật mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm việc thực hiện Luật HTX năm 2012 cho rằng, các tỉnh trong vùng gặp nhiều thuận lợi trong phát triển HTX khi có dư địa nâng cấp 22.000 tổ hợp tác thành HTX.

Đặc biệt, chính quyền địa phương cần nghiên cứu tăng cường kết nối HTX với doanh nghiệp và phát triển các doanh nghiệp trong HTX nhằm tiếp cận tín dụng nhanh nhất theo quy định của Luật. “Đây là hướng đi mà các tỉnh Nam Bộ cần nghiên cứu với các mô hình doanh nghiệp trong HTX trong sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản… ”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Đi liền với đó, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các địa phương nghiên cứu điều chỉnh tỉ lệ góp vốn của thành viên HTX; các thủ tục, quy định chưa có trong Luật nhưng là đòi hỏi của thực tế như thanh lý tài sản không chia trong HTX, việc hướng dẫn HTX chuyển đổi sang các hình thức khác. Ngoài ra, với quy định cho phép thành lập doanh nghiệp trong HTX nhưng quy trình, điều kiện chưa cụ thể cần phải thể hiện rõ ràng hơn nữa.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nghe giới thiệu về các sản phẩm của các HTX nông nghiệp. Ảnh: VGP/Thành Chung

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các địa phương coi trọng việc tuyên truyền nhận thức cho cán bộ, nhân dân về ý nghĩa phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX trong nông nghiệp. Theo đó, cần nhấn mạnh tính tất yếu của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường còn “bất đối xứng” của Việt Nam. “Thị trường vật tư đầu vào ít người bán mà nhiều người mua nên bị ép giá, còn thị trường đầu ra nhiều người bán mà ít người mua và thua thiệt lại đổ lên đầu người nông dân. Do đó phải liên kết lại với nhau giữa các hộ nông dân, giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp và thị trường. Đó là quy luật có tính tất yếu cần được truyền thông, phổ biến sâu rộng tới các đối tượng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Trưởng Ban Chỉ đạo cũng cho biết, địa phương nào quan tâm tổ chức, phối hợp liên ngành trong phát triển HTX thì đạt được nhiều thành công, nhưng lưu ý địa phương khắc phục khuynh hướng nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, bất chấp quy luật kinh tế trong phát triển HTX. Cơ quan quản lý HTX ở địa phương cần tham mưu cấp ủy, chính quyền ban hành Nghị quyết chuyên đề về HTX với chỉ tiêu cụ thể để thực hiện. Đối với ĐBSCL tiếp tục quán triệt Đề án số 445 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển HTX.

Qua hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Bộ NN&PTNT rà soát lại Thông tư hướng dẫn việc đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX trên cả 2 mặt về thu nhập tài chính, lợi nhuận và mức độ gia tăng kinh tế hộ gia đình, là hiệu quả cuối cùng của HTX; phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các thể chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn bằng việc sửa đổi Nghị định 210/2014/NĐ-CP; sửa đổi Nghị định số 55 về tín dụng nông nghiệp nông thôn theo hướng bổ sung HTX vào đối tượng vay vốn ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hợp pháp hóa tài sản trên đất của HTX hay hộ nông dân để sử dụng thế chấp vay vốn ngân hàng, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư kết cấu hạ tầng. Chính phủ cũng sẽ ban hành một nghị định về bảo hiểm nông nghiệp đối với cây trồng, vật nuôi; chính sách bảo hiểm xã hội cho cán bộ HTX ; giải quyết nợ khê đọng của các HTX (khoảng 27 tỷ đồng trong vùng).

Nhấn mạnh đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động của HTX là yêu cầu tất yếu, có tính “sống còn” của tổ chức lại sản xuất hàng hóa, Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX. Quốc hội cũng ra Nghị quyết yêu cầu tới năm 2020 cả nước phải có 15.000 HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Việc Chính phủ sơ kết lại 5 năm thực hiện Luật HTX năm 2012 nhằm có giải pháp để đưa kinh tế tập thể, HTX phát triển ngang tầm với các loại hình kinh tế khác, đóng góp quan trọng vào tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và cả việc phát triển HTX trong các lĩnh vực giao thông vận tải, công thương,...

Thành Chung