Nam Định là địa phương có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng năm 2023 đạt 9,06%, là mức tăng trưởng cao trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ về kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh và các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của tỉnh Nam Định trong 9 tháng năm 2023?
Ông Phạm Đình Nghị: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh Nam Định đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế-xã hội, cũng như các nhiệm vụ, giải pháp về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu chậm lại, tác động mạnh đến tình hình trong nước; các đơn hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là ngành dệt may, da giày suy giảm, giá nguyên vật liệu ở mức cao…, tỉnh đã có sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nên tình hình chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh ổn định.
Trong 9 tháng năm 2023, môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tăng cường. Xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện.
Chúng tôi đã đạt được các kết quả nổi bật trên một số lĩnh vực: Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và có bước phát triển mới, các chỉ tiêu cao hơn bình quân chung của cả nước; GRDP 9 tháng tăng 9,06%, xếp thứ 6 cả nước và thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,96%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 14%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 12,8%...
Dự kiến năm 2023, GRDP của Nam Định đạt trên 10%.
Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và tiếp tục có những tín hiệu rất tích cực. Tính đến nay, toàn tỉnh có 137 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 3.900 triệu USD. Số dự án trong các khu công nghiệp là 56 dự án với số vốn đăng ký là 1.211 triệu USD, ngoài khu công nghiệp là 81 dự án với số vốn đăng ký là 2.689 triệu USD. Lũy kế vốn thực hiện khoảng 1.290 triệu USD chiếm 33% tổng vốn đăng ký đầu tư.
Năm 2023, Nam Định đã thu hút những nhà đầu tư, dự án có ý nghĩa quan trọng đối với môi trường đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, như: Tập đoàn Quanta về đầu tư tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận với mục tiêu sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính với tổng mức đầu tư 120 triệu USD; ký thỏa thuận phát triển Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polyme công nghệ cao, với tổng mức đầu tư 100 triệu USD với Tập đoàn Sunrise Material và Dự án đầu tư nhà máy sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao của Tập đoàn JiaWei, với tổng mức đầu tư khoảng 100 Triệu USD; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh…
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục ổn định, phát triển. Công tác xây dựng nông thôn mới được đặc biệt quan tâm. Toàn tỉnh đã có 189/204 (92,65%) xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 19 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nam Định phấn đấu năm 2024 có 1 huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Đoàn công tác của thành viên Chính phủ, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn làm Trưởng đoàn, khảo sát tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường bộ ven biển tháng 9/2023 - Ảnh: VGP
Vậy Nam Định đang tập trung vào điểm nhấn nào để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thưa ông?
Ông Phạm Đình Nghị: Một trong những điểm nhấn của Nam Định là hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đang được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống giao thông liên vùng, giao thông đối ngoại. Hiện nay, tỉnh đang triển khai các dự án trọng điểm:
Thứ nhất, phấn đấu hoàn thành tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Nam Định trong năm 2023.
Thứ hai, dự án tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường bộ ven biển đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự án này đã khởi công ngày 24/12/2022, hiện đang tích cực tổ chức thi công và giải phóng mặt bằng.
Thứ ba, tỉnh đã hoàn thành giai đoạn I và đang triển khai giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình.
Thứ tư, Nam Định đã tổ chức rà soát chuẩn bị cho công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng. Đây là trục giao thông chiến lược kết nối các địa phương, cảng biển Hải Phòng, tạo không gian phát triển cho Nam Định và các địa phương.
Ngoài ra, trong tháng 7/2023, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào hoạt động cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ. Đây là công trình thủy lớn và quan trọng bậc nhất từ trước đến nay, là đột phá về hạ tầng giao thông thủy và có ý nghĩa kinh tế, xã hội to lớn đối với sự phát triển của Nam Định nói riêng và các tỉnh trong vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung.
Tỉnh tiếp tục tập trung đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, như: Khu Công nghiệp dệt may Rạng Đông, Khu Công nghiệp Mỹ Thuận, các cụm công nghiệp Yên Bằng, Thanh Côi... để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Ngoài ra, Nam Định còn tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư đang triển khai thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là các dự án lớn có công nghệ hiện đại, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Đây là những kết quả hết sức tích cực của tỉnh Nam Định, xin ông cho biết nguyên nhân để đạt được kết quả trên?
Ông Phạm Đình Nghị: Tỉnh Nam Định đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự ủng hộ, hỗ trợ giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương... Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Nam Định và các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực chủ động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền về pháp lý, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tiếp cận vốn, tiền thuê đất… để hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhất là các dự án lớn, trọng điểm.
Nam Định đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 của Chính phủ, cùng với các tổ công tác khác của tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu.
Tiêu biểu như chỉ đạo ngành thuế tập trung thực hiện giảm thu thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Ngành ngân hàng tích cực hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng, giảm chi phí cho doanh nghiệp...
Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử cũng được tỉnh chú trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Trung tâm Phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh, trung tâm hành chính một cửa các huyện, thành phố đã đảm bảo tốt các điều kiện, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước.
Nam Định cũng tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả với nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Kết quả tích cực của 9 tháng năm 2023 còn là do Nam Định tập trung giải quyết các điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, như: Hoàn thiện hạ tầng giao thông, điện lực, nước sạch... bảo đảm đồng bộ, hiện đại, kết nối với các sân bay, cảng biển, các trung tâm kinh tế trong vùng.
Chính quyền các cấp đã đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp, nhất là giải quyết các thủ tục về chủ trương đầu tư, đất đai, xây dựng.
Nam Định cũng nhận được sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định - Ảnh: VGP
Tỉnh Nam Định sẽ thực hiện những nhiệm vụ gì để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 10% của năm 2023 và phấn đấu tăng trưởng hơn nữa ở các năm tiếp theo, thưa ông?
Ông Phạm Đình Nghị: Nam Định sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ để phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư.
Tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Nam Định sẽ tập trung khai thác, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; ưu tiên bố trí nguồn lực cho các công trình trọng điểm, động lực, có tính chiến lược lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Trong đó, tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng, như: Đường bộ ven biển, giai đoạn II đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường bộ ven biển; phối hợp triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng…
Nam Định cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phát huy hiệu quả hoạt động các tổ công tác của tỉnh trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp…
Nam Định cũng đặc biệt chú trọng tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thời kỳ mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, giỏi về chuyên môn, dám nghĩ, dám làm, vững vàng trước thử thách của thực tiễn. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
Tỉnh đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, đảm bảo giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo tồn không gian kiến trúc văn hóa làng, xã truyền thống; bảo vệ môi trường, không gian cảnh quan, gắn phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch.
Hiện nay, tỉnh hiện đang tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050; các quy hoạch vùng, liên vùng, quy hoạch chi tiết, quy hoạch của các huyện, thành phố với mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển nhanh và bền vững.
Khi Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 được phê duyệt, tỉnh sẽ thực hiện tốt việc quản lý và triển khai các quy hoạch để đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững, xây dựng, phát triển thành phố Nam Định nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Gia Huy (thực hiện)