In bài viết

Nam Định sẽ tạo khác biệt từ nguồn nhân lực, năng lượng xanh

(Chinhphu.vn) - Dự hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư, chiều 6/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực, năng lượng xanh là hạ tầng, giải pháp, cơ hội để Nam Định có sự khác biệt, sự hấp dẫn đặc biệt đối với thu hút các nhà đầu tư.

06/03/2024 19:12
Nam Định sẽ tạo khác biệt từ nguồn nhân lực, năng lượng xanh- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Nam Định đang có những nhân tố mới, tiềm năng mới, cơ hội mở ra hướng phát triển ra phía biển - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Cực phát triển quan trọng ở vùng nam Đồng bằng sông Hồng

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Nam Định là vùng đất văn hiến, địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và hiếu học; nơi dựng nghiệp của vương triều Trần-triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 3 lần lãnh đạo quân dân Đại Việt chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông, làm nên hào khí Đông A lừng lẫy.

Đây cũng là quê hương của nhiều nhân tài, danh tướng, văn nhân và lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước; cái nôi của giai cấp công nhân và phong trào công nhân, đầu thế kỷ XX ở Việt Nam.

Vốn quý nhất để Nam Định phát triển không phải là những lợi thế về đất đai, tài nguyên nhiên nhiên mà chính là ở nguồn nhân lực và nhân tài của vùng đất hiếu học, lá cờ đầu của giáo dục cả nước, địa phương có gần 30 năm trong top đầu cả nước về kết quả giáo dục phổ thông, giáo dục mũi nhọn. 

Phát huy những lợi thế đó, bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao và tinh thần đổi mới sáng tạo của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Nam Định đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên những đổi thay toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 của Nam Định đạt 10,19%, đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 6 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 54,9 triệu đồng/người, tăng 12,0%.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, tăng tính kết nối. Nam Định là điểm sáng của cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, giáo dục và đào tạo của tỉnh liên tục ở tốp dẫn đầu toàn quốc về chất lượng trong gần 3 thập kỷ qua.

Nam Định sẽ tạo khác biệt từ nguồn nhân lực, năng lượng xanh- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu vùng Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.

Nam Định được xác định sẽ là một cực phát triển quan trọng của tiểu vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng, trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng và điểm kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Từ định hướng đó, Quy hoạch tỉnh Nam Định có vai trò đặc biệt quan trọng, tổ chức lại không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ, hữu cơ với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, với 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo và 5 hành lang kinh tế động lực, đồng bộ với quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô. Phát triển đột phá khu vực kinh tế biển và ven biển, đưa khu vực ven biển trở thành một trọng tâm phát triển của tỉnh.

Nam Định phấn đấu giai đoạn 2021-2030, có tốc độ tăng GRDP bình quân khoảng 9,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đến năm 2030, tỉ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 12%; công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 50%; dịch vụ chiếm khoảng 38%. 

GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 160-180 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2030 đạt trên 7 tỷ USD. Thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn năm 2030 đạt trên 18.000 tỷ đồng. Đến năm 2030 không còn hộ nghèo; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 80% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nam Định sẽ tạo khác biệt từ nguồn nhân lực, năng lượng xanh- Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định chúc mừng các nhà đầu tư được trao quyết định, giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp tại hội nghị - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Thoát khỏi "vùng trũng" về giao thông, mở ra không gian, tiềm năng phát triển mới

Phó Thủ tướng cho rằng, để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch, Nam Định cần rút ra bài học phát triển của các địa phương trong vùng, tiếp tục đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tốt thời cơ, tìm ra lối đi riêng để trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm, đáng sống.

Theo Phó Thủ tướng, Nam Định đã tiên phong trong phát triển công nghiệp nhưng đến nay lại đi sau một số địa phương, vì vậy, tỉnh cần nhìn nhận, xác định những điểm nghẽn lớn nhất, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá.

Với việc đầu tư tuyến đường hành lang ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình - Hà Nam, tuyến cao tốc Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, kết nối với cao tốc Bắc-Nam, Nam Định sẽ thoát khỏi tình trạng là vùng trũng về hạ tầng giao thông; thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh, mở ra không gian, tiềm năng phát triển mới. Đây cơ hội rất lớn để Nam Định thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển.

"Nguồn nhân lực chất lượng cao và tiềm năng lớn về năng lượng sạch, năng lượng điện gió ngoài khơi là hạ tầng, giải pháp, cơ hội để Nam Định tạo nên sự khác biệt, sự hấp dẫn đặc biệt đối với thu hút các nhà đầu tư; chủ động lựa chọn các lĩnh vực phát triển theo hướng công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, đáp ứng các yêu cầu mới về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường", Phó Thủ tướng phân tích.

Song song với đó, Nam Định cần chú trọng tạo các nguồn lực từ chính quy hoạch, thông qua thu hút các nhà đầu tư, tư vấn uy tín, có năng lực để cụ thể hóa các tầm nhìn, định hướng dài hạn trong bản quy hoạch chung thành các quy hoạch chi tiết mang tính kinh tế, kỹ thuật, xác định không gian đô thị, nông thôn… thành những giá trị khác biệt, gấp nhiều lần so với giá trị đất đai.

"Kết cấu hạ tầng phải được phát triển đồng bộ, đi trước một bước với tầm nhìn, tư duy quy hoạch chất lượng, dài hạn và làm nên giá trị, sức hấp dẫn, thu hút do chính con người tạo ra trên mảnh đất Nam Định", Phó Thủ tướng nói.

Nam Định sẽ tạo khác biệt từ nguồn nhân lực, năng lượng xanh- Ảnh 4.

Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định ký bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư với các nhà đầu tư, doanh nghiệp tại hội nghị - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Mở ra cơ hội phát triển từ hướng biển

Đề nghị Nam Định chú trọng quy hoạch và xây dựng kế hoạch phù hợp để phát triển hệ thống đô thị xanh, đô thị thông minh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đô thị hóa cần được tiến hành cùng với công nghiệp hóa, tạo ra động lực phát triển với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đồng thời giải quyết được những tồn tại, khiếm khuyết trong phát triển đô thị hiện nay (mật độ dân số quá lớn, ô nhiễm môi trường, không khí, giao thông ùn tắc…), phát triển hệ thống hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, hiện đại, thông minh.

Với quỹ đất tự nhiên không lớn, mật độ dân số cao và nhu cầu cho các ngành kinh tế ngày càng tăng, Nam Định cần quản lý, lựa chọn các dự án theo tiêu chí về suất đầu tư, hiệu quả kinh tế, hạ tầng kinh tế-xã hội.

"Nam Định đang có những nhân tố mới, tiềm năng mới, cơ hội mở ra hướng phát triển ra phía biển, theo quy hoạch bài bản, căn cơ, đồng bộ, nhằm tạo ra không gian mới để sinh sống, phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời chuyển đổi sinh kế người dân ở bãi ngang, bãi bồi sang đánh bắt, nuôi biển kết hợp hình thành các trung tâm điện gió ngoài khơi", Phó Thủ tướng gợi mở.

Bên cạnh đó, Nam Định cần thúc đẩy chuyển đổi kinh tế nông nghiệp theo hướng đa mục tiêu công nghệ cao, hữu cơ, xanh; kết hợp với du lịch, để người nông dân nâng cao thu nhập, sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học.

Nam Định với lợi thế về những di tích lịch sử, văn hóa giàu bản sắc, các làng nghề truyền thống, những làng quê mang đậm nét của đồng bằng sông Hồng cần kết nối chuỗi du lịch Nam Định - Ninh Bình - Hà Nam - Thái Bình, tạo nên những sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, thắng cảnh độc đáo, gắn với đời sống, sản xuất nông nghiệp và các làng nghề truyền thống; chú trọng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm cộng đồng.

Nam Định sẽ tạo khác biệt từ nguồn nhân lực, năng lượng xanh- Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo tỉnh Nam Định, một số bộ, ngành và các doanh nghiệp, nhà đầu tư được trao quyết định, giấy chứng nhận đầu tư, ký bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư tại hội nghị - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng mong muốn Nam Định phát huy tối đa lợi thế lớn nhất là nguồn lực con người, những người con của quê hương Nam Định ở địa phương, ở Trung ương, mọi miền của tổ quốc và trên thế giới, cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư về xây dựng những ngành kinh tế đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn,… lâu dài, bền vững. Từ đó tạo ra nhu cầu, "đơn đặt hàng", định hướng tổ chức các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực.

Tỉnh cần tiếp tục phát huy truyền thống khoa cử, hiếu học để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Đặc biệt cần có chính sách thu hút lao động trẻ được đào tạo trở lại làm việc tại Nam Định, các chuyên gia bằng điều kiện phát triển, cơ hội nghề nghiệp, nhà ở và môi trường sống chất lượng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tin tưởng, với truyền thống lịch sử văn hóa, sự năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên tự cường của con người Nam Định, chúng ta có niềm tin rằng Nam Định sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; một trong những trung tâm phát triển quan trọng của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Minh Khôi