In bài viết

Nam Định vỡ đê, Thanh Hóa nước tràn qua đê chắn sóng

Đoạn đê chắn sóng cung 22 và 23 thuộc xã Thịnh Long (Hải Hậu) đã vỡ; nước biển đã tràn vào khu dân cư. Tại Thanh Hóa, hầu hết tuyến đê chắn sóng của huyện Hậu Lộc đã bị vỡ.

27/09/2005 14:47

13h45: Tại Đồ Sơn, Hải Phòng, bão đổ bộ vào từ buổi sáng với gió lớn nhưng đến trưa thì bão đã tan. Vào lúc này đã không còn dấu hiệu của bão.

13h05: Tại Hậu Lộc, Thanh Hóa, 12km tuyến đê huyện đã bị vỡ, nước tràn vào trong đê, nhiều cây cối bị đổ. Tại trường tiểu học Minh Lộc, một khung cảnh hỗn loạn đang diễn ra do nước tràn vào đang dâng cao (đến đầu gối và có khả năng tiếp tục lên) khiến nhiều người lo lắng.

UBND huyện đã cho xe ôtô đưa người dân đi di tản vào các vùng cao hơn. Công tác đưa dân đi tránh bão vẫn tiếp tục diễn ra tại các vùng có nguy cơ cao. Những người dân đang trú tại các khu vực di dân đã được cấp lương thực.

* 12h45: Tuyến đê đoạn thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu, Nam Định) tiếp tục vỡ nặng, lên tới 100m.

Tại Quảng Ninh, gió vẫn to nhưng mưa đã ngớt. Từ lúc 12h10, phà Bãi Cháy đã hoạt động trở lại

* 11h30: 

Thông tin do PV VietNamNet điện về từ Hải Hậu (Nam Định): tuyến đê Thịnh Long đoạn thị trấn Thịnh Long đã bị vỡ  dài 20m; nước biển đã tràn ngập nhà dân. Hệ thống giao thông của khu vực này bị đình trệ, không thể lưu thông. Ngoài ra, mốt số đoạn đê của các xã ven biển huyện Giao Thủy cũng bị vỡ, nước tràn vào. 

*

Tại Hậu Lộc (Thanh Hóa): 11h trưa nay, hầu hết các tuyến đê chắn sóng của Hậu Lộc đã bị vỡ. Đường giao thông vào các xã ven biển bị cô lập. Hiện lãnh đạo Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Thanh Hóa đang có mặt tại tuyến đê Hậu Lộc để chỉ huy chống bão và cứu hộ. UBND huyện Hậu Lộc vừa cứu đói 500 thùng mỳ tôm đến các khu vực dân tạm trú. Đường vào xã Minh Lộc bị giám đoạn bởi cây đổ và cột điện. Còn tại các xã trọng yếu ven biển người dân vẫn di chuyển ra chuyến ngoài tránh bão.

* 10h10' đê xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng - Nam Định) bị sóng đánh vỡ một đoạn dài hơn 300m (đoạn vỡ đã sâu vào chân đê tới 2/3) Ban chỉ huy phòng chống bão lụt đã phải bắn súng báo động sơ tán dân.

* Tại Hải Thịnh, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt không tập trung sức hộ đê nữa mà dồn toàn bộ lực lượng giúp dân sơ tán. Nước biển đã tràn vào khu dân cư với tốc độ ngày càng mạnh.

* Tại Cẩm Phả (Quảng Ninh):  BV Tâm thần cùng 15 gian nhà bị tốc mái, chưa có thiệt hại về người. Hệ thống điện tại khu vực có nhà bị tốc mái đã bị cắt.

Phà Bãi Cháy tiếp tục ngừng hoạt động đến 12h trưa. Do có thông báo từ trước nên không có tình trạng tắc nghẽn giao thông tại phà.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Lê Bình Trầm, Giám đốc Sở NN&PTNT - Phó ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Lúc 11h trưa (27/9), tôi đang đứng tại km15 thuộc tuyến đê Hà Nam. Nước biển kết hợp triều cường đã dâng 0,6-0,7m. Gió cấp 5-6, giật cấp 7-8, mưa nhẹ. Đến thời điểm này có thể nói tuyến đê của Quảng Ninh khá an toàn. Nước biển còn cách đê 3m".

Lúc 10h sáng, từ Thanh Hóa, phóng viên VietNamNet điện thoại về cho biết, tại xã Ninh Phú, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, đê đã bị phá vỡ hoàn toàn. Phóng viên VietNamNet cho biết, với tình hình này, hệ thống đê ở xã Hòa Lộc, Như Lộc và Minh Lộc (cũng của huyện Hậu Lộc) có thể bị phá vỡ trong vài giờ tới.

Điều khó khăn là đường vào các xã này đang bị cô lập, do cây cối đổ nhiều nằm ngổn ngang chắn lối, và gió giật rất mạnh.

Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết, cơn bão khi vào đất liền vẫn ở cấp 11-12, giật trên cấp 12, bão vào cùng lúc với triều cường, khiến nước có khả năng dâng cao từ 4,5 đến 5,5m. Tỉnh đang khẩn trương lo các biện pháp hỗ trợ người bị nạn, vùng bị nạn. Tạm thời, huyện Hậu Lộc đang cứu trợ 200 thùng mỳ tôm cho người dân vùng bị ngập lụt. Gió lớn đã khiến nhiều cây bị đổ, nhiều nhà bị tốc mái. 

Toàn thành phố Thanh Hóa đã ở trong tình trạng mất điện.

Vào lúc 9h40 sáng nay. Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu kiêm chỉ huy trưởng Cung phòng chống lụt bão xã Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định cho biết với tình hình bão lớn, sức gió cấp 12, giật trên cấp 12 như hiện nay thì nguy cơ vỡ đê là hoàn toàn có thể. 

Vì bão quá to nên việc hộ đê đã hầu như bất lực. Do đó, nhiệm vụ của cung phòng chống lụt bão bây giờ là chuyển sang bảo vệ dân. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão đã chỉ đạo 100 bộ đội ra hộ đê được chừng nào hay chừng đó.

Riêng tại cung 22 và 23 thuộc xã Thịnh Long, huyện Hải Hậu, đê đã vỡ, nước tràn vào làm thiệt hại hoàn toàn hoa màu.

Như vậy, lực lượng phòng chống lụt bão xã Thịnh Long, huyện Hải Hậu đã hoàn toàn bất lực trước sức mạnh của cơn bão số 7.

9h15' sáng nay, nước biển đã tràn qua đoạn đê Thành Long (trước cửa Trung tâm đo sóng Nam Định). Phía ngoài đê, sóng dựng cao chừng 4 m. Gió giật trên cấp 12,  cây cối gãy đổ rất nhiều.  Phóng viên VietNamNet có mặt tại đây cho biết: " Một thành viên của đội xung kích hộ đê dự đoán, chỉ 2h sau nước biển sẽ tràn qua đê chắn sóng tàn phá khu dân cư...".

(VietNamNet)