In bài viết

5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia: Cần cơ chế, chính sách đặc biệt

(Chinhphu.vn) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần thiết phải cho áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù và chỉ áp dụng cho các dự án cụ thể này, trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay.

06/06/2022 16:06
Năm dự án giao thông trọng điểm quốc gia: Cần cơ chế, chính sách đặc biệt - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tình thế đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt

Ngày 6/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia gồm 4 dự án đường bộ cao tốc: Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1) và dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 TPHCM). 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc chuẩn bị hồ sơ 5 dự án giao thông trình Quốc hội là nội dung khó khăn và tốn nhiều thời gian nhất của các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ khi chuẩn kỳ họp thứ 3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức rất nhiều phiên không chính thức và 3 phiên chính thức để cho ý kiến về 5 dự án này.

Tình thế đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt

Trước một số ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn cho rằng xu hướng mở rộng cơ chế chính sách đặc thù áp dụng trong 5 dự án này có thể dẫn đến những hệ lụy phức tạp về pháp lý, về tổ chức triển khai thực hiện và gây hệ lụy tiêu cực về quản lý, quản trị dự án, làm giảm hiệu quả dự án và không đạt được mục tiêu đề ra.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong giai đoạn đặc biệt hiện nay khi chúng ta vừa trải qua rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 và đang phải thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội thì cần có những quyết sách đặc biệt, đặc thù, khác với quy định của pháp luật hiện hành để triển khai các dự án này. Tình thế đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Ngân sách Nhà nước không cho phép lấy ngân sách cấp này chi cho cấp kia. Về nguyên tắc, đầu tư đường cao tốc là trách nhiệm của Trung ương, đường song hành, vành đai là trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, trong tình hình ngân sách Trung ương gặp khó khăn, trong khi địa phương có nguồn thu từ đất đai khá lớn thì cần thiết phải cho phép Trung ương và địa phương cùng làm, tuỳ theo khả năng đóng góp của địa phương và cam kết của địa phương.

Hay Luật Giao thông đường bộ cũng quy định cao tốc và quốc lộ là do Bộ Giao thông vận tải quản lý, còn tỉnh lộ trở xuống là do địa phương quản lý. Nhưng nếu 5 dự án đường giao thông này được Quốc hội thông qua, một mình Bộ Giao thông vận tải quản lý nhiều như vậy, chưa kể các dự án đang làm thì không thể làm hết được, do đó phải giao cho địa phương có dự án đi qua làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phương án này không đúng với quy định của Luật Giao thông đường bộ nhưng tình hình cấp bách như hiện nay thì cần cho phép thực hiện khác với quy định của luật.

Theo đó, Dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 là giao hết cho các địa phương, TPHCM làm cơ quan đầu mối của dự án đường Vành đai 3, TP. Hà Nội làm cơ quan đầu mối của dự án đường Vành đai 4. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, khái niệm “cơ quan đầu mối" thế nào trong luật chưa có, nên báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ làm rõ "đầu mối" là như thế nào, trách nhiệm cụ thể của đầu mối này ra sao để bảo đảm thực hiện từng đoạn nhưng vẫn thống nhất về quy chuẩn, vận hành trên toàn tuyến. 

Riêng với 3 dự án cao tốc thì có dự án đi qua nhiều tỉnh như Biên Hòa-Vũng Tàu, dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Buôn Mê Thuột-Khánh Hoà thì vẫn giao cho Bộ Giao thông vận tải phụ trách.

Hoặc Luật Xây dựng không cho phép tách dự án theo địa giới hành chính mà yêu cầu phải lập dự án theo nguyên tắc vận hành độc lập, dự án nào vận hành độc lập mới thành dự án được. Nhưng nếu quá máy móc như thế trong giai đoạn phục hồi phát triển hiện nay thì có cần thiết không? “Vì thế, Đảng đoàn Quốc hội đã thống nhất với Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế chia dự án theo địa giới hành chính”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Năm dự án giao thông trọng điểm quốc gia: Cần cơ chế, chính sách đặc biệt - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trao quyền nhiều thì phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm,

Hoặc Luật PPP quy định phần đóng góp của tư nhân không dưới 50%, Nhà nước không vượt quá 50% nhưng phần góp vốn của Nhà nước của dự án đường Vành đai 4 theo phương án trình là đến 66%, thời hạn thu hồi vốn vẫn là 21 năm, ngân hàng đi huy động vốn ngắn hạn và trung hạn mà cho vay đến 21 năm là cũng khó khăn. “Nếu “chẻ” đúng ra Nhà nước và tư nhân phải 50-50 thì chắc không có nhà đầu tư nào bỏ tiền ra. Cho nên cũng phải xin cơ chế đặc thù”, Chủ tịch Vương Đình Huệ nói.

“Phải bàn nát nước, kỹ đến nỗi những vấn đề kỹ thuật Chủ tịch Quốc hội cũng vẫn nhớ hết, để chọn phương án tối ưu nhất. Như vậy để thấy rằng, cần thiết phải cho áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù và chỉ áp dụng cho các dự án cụ thể này, trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay thôi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cá thể hóa trách nhiệm

Bên cạnh việc cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, phải nâng cao trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu và cá thể hóa trách nhiệm trong toàn bộ quá trình triển khai thực hiện.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận rất rõ và sẽ thể hiện trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội về trách nhiệm thực hiện. Địa phương phải cam kết trước Chính phủ về việc bố trí vốn, nhưng đó là việc địa phương cam kết với Chính phủ, còn Chính phủ phải cam kết với Quốc hội. Cam kết này cũng rất chặt chẽ: Một là, tổng số vốn bố trí là bao nhiêu; hai là, phân kỳ đầu tư như thế nào, nếu trong trường hợp phải điều chỉnh vốn đầu tư thì địa phương cũng phải cam kết bỏ thêm phần tương ứng để hoàn thành dự án; ba là, cam kết vốn ngân sách của địa phương phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương”, Chủ tịch Quốc hội nói.

“Chúng ta trao quyền nhiều thì phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm, tránh những hệ lụy xấu có thể xảy ra. Người nào quyết định thì người đó phải chịu trách nhiệm. Cho anh chỉ định thầu mà sau này nhà thầu không đủ năng lực, làm không đến nơi đến chốn thì người quyết định chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Hải Liên