In bài viết

Nam Trung Bộ khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

(Chinhphu.vn) - Các tỉnh Nam Trung Bộ đang tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời chỉ đạo các lực lượng sẵn sàng ứng phó với thiên tai, lũ lụt có thể tiếp diễn trong ngày 6/11.

06/11/2016 11:52

Hồ thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) đã giảm lưu lượng xả, nước lũ trên sông Ba Hạ tiếp tục giảm. Ảnh: VGP/Thế Phong

Theo báo cáo của tỉnh Bình Định, đến 19h ngày 5/11, tình hình ngập lụt gây sạt lở và chia cắt giao thông cục bộ vẫn còn diễn ra trên các tuyến liên huyện, liên xã thuộc các huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn, huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Phù Cát, Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn. Để bảo đảm an toàn giao thông, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phân luồng, điều tiết giao thông trên các tuyến Quốc lộ 19, 1, 1D… Một đoạn đường sắt bị sạt lở mái taluy âm đã được khắc phục xong và thông tuyến vào 11h30’ ngày 15/11.

Ngày 5/11, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả do lũ lụt; triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và cứu đói cho người dân vùng lũ; tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời các trường hợp bị thiệt hại về người, nhà cửa và tài sản do lũ lụt.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng giao Sở NN&PTNT kiểm tra vấn đề an toàn đối với các hồ chứa trên địa bàn; Sở GTVT triển khai khắc phục tạm thời các tuyến đường hư hỏng để nhân dân đi lại an toàn; các sở, ngành liên quan và địa phương khắc phục và xử lý môi trường khi nước lũ rút. Các lực lượng cứu hộ cứu nạn và địa phương tiếp tục duy trì lực lượng sẵn sàng ứng phó với thiên tai, lũ lụt khi có tình huống xấu xảy ra.

Theo cập nhật của tỉnh Khánh Hòa, đến 6h ngày 6/11, trên địa bàn tỉnh cơ bản nước lũ đã rút, hiện còn ngập cục bộ một số điểm tại tại TP. Nha Trang và Cam Ranh. Trong khi đó, tại Ninh Thuận, công tác khắc phục các tuyến đường 701, 706, 707 đang được địa phương phối hợp với Công ty cổ phần Quản lý đường bộ tỉnh khắc phục tạm thời, dọn dẹp đất, đá trên mặt đường để lưu thông xe. Riêng tuyến đường 701 (đoạn Mũi Dinh đi Cà Ná) nghiêm cấm tuyệt đối phương tiện giao thông đi lại từ ngày 4-6/11.

Về tình hình di dân ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, ngày 4/11, do mưa lớn, một số vùng bị ngập sâu tại các xã Cư Bông, Cư Yang, Ea Ô, Ea Păl, Cư ELang nên chính quyền địa phương chủ động di dời hơn 200 hộ dân. Ngày 5/11, do tình hình nước lũ còn lên cao và hồ Ea Rớt xả lũ làm tình hình thêm nghiêm trọng, chính quyền địa phương tiếp tục di dời các hộ dân tại thôn Buôn Vân Kiều, Buôn Drớt. Đến nay đã có tổng cộng 500 hộ dân được di dời nhằm bảo đảm an toàn.

15 người chết do mưa lũ

Chi cục Phòng thống thiên tai khu vực miền Trung-Tây Nguyên cho biết, thống kê tình hình thiệt hại ban đầu do mưa lũ, tính đến 21h ngày 5/11, đã có 15 người chết (Quảng Bình 3 người, Quảng Trị 2 người, Bình Định 2 người, Phú Yên 7 người, Đắk Lắk 1 người). Ngoài ra còn 6 người dân đang mất tích.

Về nhà ở, thiệt hại hoàn toàn 221 nhà, chủ yếu ở tỉnh Bình Định, thiệt hại rất nặng 2 nhà ở Phú Yên; thiệt hại một phần 241 nhà... Bên cạnh đó, trong đợt lũ vừa qua, khu vực miền Trung-Tây Nguyên còn có trên 40.000 ngôi nhà bị ngập. Về nông nghiệp, có 7.044 ha lúa bị ngập, 4.743 ha hoa màu bị ngập, hư hại, 440 con gia súc bị chết, cuốn trôi.

Các tuyến đường bị hư hỏng, sạt lở 198.137 m3; cầu, cống bị sạt lở hư hỏng 151 cái. Đối với các công trình thủy lợi, khối lượng đất, đá, bê tông bị sạt lở 54.299 m3. Chiều dài kênh mương, đê kè bị sạt lở là 46.842 m.

Tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 492 tỷ đồng, trong đó tỉnh Phú Yên chịu thiệt hại nặng nề nhất là 337 tỷ đồng. Ngày 5/11, UBND tỉnh Phú Yên có tờ trình đề nghị Trung ương hỗ trợ 1.100 tấn gạo cứu đói, 1.000 kg Cloramine B, 30.000 viên Aquatabs, 500 lít Permethrin, 10 máy phun ULV, 9 xuồng cao su gắn máy phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Đề phòng lũ có khả năng lên lại

Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung-Tây Nguyên cảnh báo, sáng 6/11, cần đề phòng mực nước các sông ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng có khả năng sẽ lên lại và dao động ở mức báo động (BĐ)1-BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng thấp các tỉnh ở Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và ngập lụt vùng hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn, đặc biệt là khu vực TPHCM.

Tình trạng ngập lụt ở các tỉnh từ Phú Yên đến Khánh Hòa, Đắk Lắc vẫn tiếp diễn, đặc biệt tại các huyện Sông Cầu, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy Hòa (Phú Yên); huyện Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa); huyện Mdrăk, Krông Bông, Krong Ana, Eakar, Easup, Krông Păk (Đăk Lắk), huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh (Lâm Đồng). Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa trên địa bàn các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, đặc biệt là các hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Srêpôk.

Sáng 6/11, hai đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ đi kiểm tra công tác ứng phó với tình hình mưa lũ tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Thế Phong