In bài viết

Nam Trung Bộ-Tây Nguyên: Vùng đất giàu tiềm năng cho các nhà đầu tư Hàn Quốc

(Chinhphu.vn) - Đại sứ quán Hàn Quốc cam kết sẽ phối hợp tích cực với các cơ quan, các địa phương của Hàn Quốc tăng cường các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vào khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên và thúc đẩy hợp tác ODA, hợp tác lao động, hợp tác địa phương với các khu vực này.

13/05/2022 18:50
Nam Trung Bộ-Tây Nguyên: vùng đất giàu tiềm năng cho các nhà đầu tư Hàn Quốc - Ảnh 1.

Lãnh đạo 11 tỉnh Nam Trung Bộ-Tây Nguyên cùng lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp Hàn Quốc - Ảnh: VGP/Minh Trang

Ngày 13/5, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị Gặp gỡ Hàn Quốc 2022 với chủ đề "Hội tụ nguồn lực, chung tay phát triển", với mục tiêu kết nối hợp tác giữa 11 tỉnh khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên với Hàn Quốc.

Mối quan hệ hợp tác giữa Nam Trung Bộ-Tây Nguyên và Hàn Quốc còn khiêm tốn

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, sau 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1992, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành đối tác hợp tác chiến lược, sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau ngày càng được củng cố.

Năm 2021, Hàn Quốc tiếp tục giữ vị trí là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 9.265 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 78,6 tỷ USD, là đối tác ODA, du lịch, lao động lớn thứ 2 và đối tác thương mại đứng thứ 3, với tổng kim ngạch song phương đạt trên 78 tỷ USD, gấp hơn 150 lần so với thời điểm 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992.

Tính đến nay, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã có mặt trên 59 địa phương của Việt Nam với gần 80 văn bản hợp tác cấp địa phương giữa 2 nước trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, lao động đã được ký kết.

Ông Park Noh Wan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, đánh giá khu vực Nam Trung Bộ là nơi có nguồn tài nguyên du lịch, khoáng sản, lâm nghiệp và thuỷ sản phong phú, đây chắc chắn là khu vực có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Trong những năm qua, hoạt động đầu tư vào Việt Nam của doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu tập trung ở miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội và miền Nam là TPHCM. Mối quan hệ đầu tư thương mại và kinh doanh giữa Hàn Quốc với các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên còn khiêm tốn. Chính vì thế, trong thời gian tới, dự báo sẽ mở rộng ra cả khu vực miền Trung.

Đại sứ quán Hàn Quốc Park Noh Wan cam kết trong thời gian tới sẽ phối hợp tích cực với các cơ quan liên quan như Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, KOTRA, KOICA, các địa phương của Hàn Quốc và tiếp tục nỗ lực để tăng cường hơn nữa các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng như thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, hợp tác ODA, hợp tác lao động, hợp tác địa phương với các khu vực này.

Nam Trung Bộ-Tây Nguyên: vùng đất giàu tiềm năng cho các nhà đầu tư Hàn Quốc - Ảnh 2.

Phiên thảo luận giữa các địa phương và doanh ngiệp 2 nước - Ảnh: VGP/Minh Trang

Sớm giải quyết các rào cản hành chính

Ông Kim Woon Tae, đại diện Cơ quan Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại TP. Đà Nẵng, cho biết các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư vào các tỉnh, thành phố ở Việt Nam gặp khó khăn về thủ tục hành chính, mong lãnh đạo các địa phương giải quyết vấn đề này.

Còn theo ông Shon Young Il, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và Nam Việt Nam, thực tế khi doanh nghiệp đầu tư vào địa phương gặp rất nhiều rào cản do các quy định. Vì vậy, ông Shon Young Il cho rằng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố nên điều chỉnh chính sách thực tế, giải quyết các rào cản về thủ tục hành chính… để tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Đồng thời, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cũng cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để thu hút các nhà đầu tư.

Ông Kwon Ki Man, Tham tán thương mại Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM, cho rằng để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thì có 2 vấn đề cần giải quyết. Trước nhất là giải quyết vấn đề về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nhà đâu tư. Thứ hai là dành sự quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã đầu tư tại địa phương.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng lợi thế và tiềm năng của các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên rất lớn nhưng chưa được khai phá. Tại hội thảo, hai phía đã xác định được các lĩnh vực mà 2 bên có thể tăng cường hợp tác với nhau như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển đô thị, năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, vấn đề xử lý rác thải thành năng lượng, y tế…

Các địa phương tham gia đều là những tỉnh, thành phố có vị trí chiến lược và tiềm năng lớn để phát triển. Mỗi địa phương đều có các chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế đối ngoại, khuyến khích đầu tư, giao thương với các đối tác nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc.

"Tôi rất mong muốn sau hội nghị, nhiều địa phương và doanh nghiệp sẽ tìm được đối tác phù hợp, nhiều ý tưởng hợp tác sẽ được hoàn thiện để đưa vào triển khai thực chất, hiệu quả. Tin tưởng chắc chắn rằng với tình cảm và quyết tâm của Chính phủ và nhân dân hai nước, Việt Nam-Hàn Quốc sẽ tiếp tục hợp tác tốt đẹp tạo ra những kết quả tích cực trong thời gian tới", Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ bày tỏ.

Minh Trang