In bài viết

“Nắn” quy hoạch KTXH để “cứu” sông Sài Gòn

(Chinhphu.vn) –  Hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai là một trong những nguồn nước chính cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất của hàng chục triệu dân. Tuy nhiên nguồn nước của hệ thống sông này lại đang trong tình trạng ô nhiễm hết sức nặng nề.

05/12/2013 19:01
Sông Sài Gòn đang ngày càng ô nhiễm do các nguồn rác thải. Ảnh VGP/Phan Hoàng

Theo kết quả nghiên cứu gần đây của Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TPHCM), chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn đang suy giảm mạnh. Nồng độ các chất như: Chì, sắt, dầu và oxy hóa luôn vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Cá biệt, nồng độ Coliform trên sông Đồng Nai đo được vượt quá tiêu chuẩn cho phép đến hàng trăm lần.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ảnh hưởng trực tiếp từ các nguồn nước thải như: Sinh hoạt, bệnh viện, công nghiệp, giao thông, bãi chôn lấp rác và các hoạt động nông nghiệp. Hằng ngày vẫn có một lượng không nhỏ hóa chất độc hại từ các nhà máy sản xuất đóng ven sông lén lút thải xuống sông, đầu độc nguồn nước, hủy hoại sự sống bên dưới mặt nước và thảm thực vật hai bên bờ sông.

Kết quả khảo sát cho hay, trên lưu vực sông Sài Gòn-Đồng Nai hiện có gần 50 khu công nghiệp đang hoạt động, với tổng lượng nước thải khoảng 104.129 m³/ngày đêm. Nhiều cơ sở do hạ tầng chưa hoàn chỉnh nhưng vẫn xả nước thải trực tiếp ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường.

Đó là chưa kể đến việc trên thượng nguồn con sông này đang ngày càng xuất hiện nhiều những dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường như dệt nhuộm, chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, xi mạ, giấy…

Theo nhận định của các chuyên gia, điều đáng ngại là hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai đang là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục triệu người dân sinh sống ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh…

Đặc biệt là tại TPHCM, hệ thống sông này là nguồn nước cấp cho các nhà máy nước sạch của Thành phố, với gần 1,5 triệu m3 nước sạch cung cấp cho người dân sử dụng hằng ngày.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, TS. Chế Đình Lý cho biết, vấn đề ô nhiễm của hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai đã được các chuyên gia môi trường cảnh báo từ khi các tỉnh kêu gọi đầu tư ồ ạt mà không quan tâm đến các yếu tố bảo vệ môi trường.

Theo ông Lý, để cải thiện chất lượng nguồn nước, cũng như tăng hiệu quả cho các giải pháp bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai, các địa phương có liên quan cần xem xét, thay đổi những chính sách liên quan đến đầu tư và phát triển công nghiệp, đồng thời tăng cường thực hiện các biện pháp về kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Dòng sông như tờ giấy trắng, khi bị nhuốm màu sẽ rất khó làm sạch. Ảnh VGP/Phan Hoàng

“Dòng sông cũng giống như một tờ giấy trắng, một khi đã nhuốm màu sẽ rất khó để làm sạch. Tôi cho rằng phải lấy phòng ngừa, giảm thiểu và ngăn chặn suy thoái môi trường làm các biện pháp chủ yếu”, TS. Chế Đình Lý nói.

Theo đó, ông Lý đề nghị các tỉnh, thành cần điều chỉnh quy hoạch phát triển KTXH liên quan đến xả nước thải ra sông bằng việc hạn chế các ngành nghề, khu công nghiệp có mức phát thải ô nhiễm cao về lưu lượng và tải lượng. Đồng thời ưu tiên cho các ngành nghề “sạch” như: Công nghệ cao, may mặc, giày da, cơ khí… Kèm với đó cần hoàn thiện mạng lưới thu gom nước thải, rác thải; xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị vì đây là nguồn gây ô nhiễm nhiều nhất.

Đồng thời các địa phương cần đẩy mạnh công tác kiểm soát các nguồn thải, rà soát, phân loại và xác định những điểm nóng ô nhiễm, nhất là tại khu vực lấy nước cấp sinh hoạt. Từ đó, xây dựng những giải pháp ưu tiên bảo vệ chất lượng nguồn nước tại những khu vực này; tăng sức chứa nước và điều hòa nước mưa của các sông, hồ, ao nhằm chống ngập cho các đô thị.

Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng thực hiện những giải pháp quan trọng khác như: Tập trung phát triển diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển; xây dựng các công trình thoát nước mưa, cải tạo các kênh rạch, thu gom và xử lý tập trung nước thải sinh hoạt... Đặc biệt là phát huy vai trò của các cơ quan báo chí nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những vụ việc vi phạm.

Phan Hoàng