In bài viết

Nạn "săn" cây cảnh trái phép tại huyện Yên Thành (Nghệ An): Bài 1: "Rút ruột" rừng phòng hộ ?

Một cây Ươi khổng lồ bị lâm tặc đốn hạ nhưng chưa kịp tẩu tán

07/07/2011 11:26
Theo phản ánh của người dân, tại khu vực rừng Vệ Ran (rừng phòng hộ), thuộc xóm Sơn Thành, xã Hùng Thành (huyện Yên Thành - Nghệ An) thời gian qua liên tiếp xẩy ra hiện tượng một số "lâm tặc" triệt hạ cây cổ thụ đem bán làm cây cảnh. Sự việc diễn ra rất công khai nhưng không có cơ quan chức năng nào lên tiếng...
Mở đường lên núi "rút ruột" rừng phòng hộ
Lần theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về khu vực rừng Vệ Ran, xã Hùng Thành trong một buổi chiều trời mưa như trút nước. Để vào khu vực rừng Vệ Ran, chúng tôi phải nhờ ông N.V.T - một người dân bản địa - dẫn đường.
Từ xóm Sơn Thành đi vào khu rừng không xa, chỉ khoảng 2km, nhưng chúng tôi phải cuốc bộ bởi đường mới được đào bới mở rộng nên rất trơn trượt.
Ông T cho biết: "Trước đây khu rừng này có nhiều cây cổ thụ lắm, nhưng từ khi rộ lên phong trào chơi cây cảnh thì cây cối nơi đây cứ thế không cánh mà bay. Cây to họ lấy trước, đến nay gần như cũng không còn bao nhiêu...".
Ông T cho biết, "đường vô rừng, trước bé xíu, cây cối mọc um tùm...nhưng từ mấy năm nay một số "lâm tặc" đã đầu tư tiền đưa máy múc, máy ủi vào làm đường để dễ dàng cho việc vận chuyển cây ra ngoài".
Tiếp cận rừng Vệ Ran, hiện ra trước mắt chúng tôi là một bãi đất khá rộng. Tại địa điểm chúng tôi dừng chân có khoảng trên dưới 10 lỗ đã được đào bới khoảng 2-3 ngày trước. Ông T chỉ vào một hố đất rộng chừng 5-6 m2 cho biết: "đây là một cây Lội rất lớn, có vanh khoảng 150 (đường kính khoảng 1,5m - PV) mới bị triệt hạ ngày 22/6. Để đào được cây này cũng mất hơn nửa ngày, sau đó họ cho máy cẩu ra đường và cho vào xe tải lớn đưa đi tiêu thụ".
Tại khu vực xung quanh là những vết xe, vết máy xúc nham nhở. Một mảng lớn chừng gần 100m2 rừng keo cũng bị "băm nát" bởi vết đổ của cây Lội khổng lồ mới bị đốn hạ. Theo quan sát, lâm tặc đào xong gốc cho cây đổ xuống và sau đó đã chặt ngọn của cây này cho dễ vận chuyển, các cành lớn có vanh khoảng 50-60 vẫn còn nằm trơ trọi dưới đống đổ nát.
Cách vị trí cây Lội già "xấu số" này chưa đầy 50m là hai hố đất rộng chừng 3-4m2, theo quan sát, sau khi đốn hạ được số cây này, lâm tặc đã tiến hành chặt cành và nhanh chóng "tẩu tán" cây ra khỏi khu rừng bằng máy xúc công suất lớn.
Tại hiện trường, chúng tôi không khỏi đau lòng khi nhìn những khúc cây Lội, cây Ươi bị chặt lại nằm chỏng chơ, nhựa còn rỉ ra tươi rói, những tán lá chưa có dấu hiệu bị héo chứng tỏ lâm tặc chỉ mới "đánh nhanh diệt gọn" và rút chưa lâu.
Con đường lâm tặc mới làm để vào đốn gỗ
Chủ rừng cũng phá rừng ?
Theo ghi nhận của PV, trong thời gian gần đây tại khu vực rừng Vệ Ran đã bị lâm tặc rút ruột hàng trăm cây cổ thụ. Chủ yếu là những cây Lội già, cây Ươi và một số ít cây Si còn "sót" lại...
Theo tìm hiểu, khu vực mà số cây cổ thụ nói trên bị đốn hạ thuộc quyền quản lý của 3 hộ dân. Ông Cao Đình Thanh, Nguyễn Thế Tuấn và ông Hồ Hữu Quang. Được biết, ông Quang hiện đang là Bí thư chi bộ xóm Sơn Thành.
Qua điều tra của chúng tôi, phần lớn số cây bị triệt hạ (khoảng 1/2 trong tổng số cây bị lâm tặc khai thác) nằm tại khu vực đất rừng mà ông Cao Đình Thanh phải bảo vệ. Mặt khác, sau khi đồng ý cho "lâm tặc" vào rừng đào cây thì các chủ rừng sẽ nhận được số tiền từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/1 cây cảnh.
Một người dân tại xóm Sơn Thành (xin được giấu tên) cho biết, trong đợt đào cây để bán vào các ngày 20 đến ngày 23/6, khu vực rừng Vệ Ran bị đốn hạ khoảng trên 20 cây. Trong đó có 19 cây Lội già có đường kính khoảng từ 50 đến 200cm và một vài cây Ươi. Trong đợt bán cây này ông Cao Đình Thanh nhận được số tiền 23,5 triệu đồng từ một tư thương mua 10 cây Lội trong khu vực rừng mà ông Thanh quản lý, sau đó trích cho xóm 4,5 triệu đồng làm "quỹ", còn lại 19 triệu đồng thì ông Thanh "bỏ túi".
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Hùng Thành thừa nhận: "Việc khai thác số cây nói trên là sai với chủ trương của Chính phủ (đã cấm khai thác- PV). Tuy nhiên, ngày 22/6 tôi nhận được đơn xin khai thác một số cây Lội và cây Ươi tại rừng Vệ Ran của Ban Cán sự xóm và chủ rừng cùng với người đi mua cây nên tôi đã ký xác nhận là đồng ý với nội dung đó và kính đề nghị lên cấp trên xem xét. Tuy nhiên, họ (người mua và người bán cây - PV) tự mang giấy đi xin chứ xã không trực tiếp làm việc này. Thú thực xã cũng không được lợi lộc gì từ việc này cả"(!?).
Như vậy, vị Chủ tịch xã này đã thừa nhận có "ký đơn" và kính chuyển lên cấp trên xem xét cho "lâm tặc" phá rừng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Thực, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thành thì lại quả quyết: "Chúng tôi không hề hay biết việc này. Anh trao đổi tôi mới biết có hiện tượng này. Càng không thể có việc ký xác nhận để "bật đèn xanh" cho lâm tặc lấy cây cảnh"(!?).
Được biết, ở xã Hùng Thành có kiểm lâm viên phụ trách địa bàn. Sự việc trên vị cán bộ kiểm lâm "nằm vùng" này không thể không biết. Vậy nhưng hàng chục cây cổ thụ vẫn bị đốn hạ mà không hề thấy bóng dáng kiểm lâm. Theo nhiều người dân, lúc đào cây, cẩu cây lên xe và vận chuyển thì cán bộ kiểm lâm cũng có mặt tại "hiện trường"?
Xâu chuỗi những tình tiết của vụ việc, dư luận không khỏi nghi ngờ về tính "bất thường" trong việc này. Rõ ràng việc lâm tặc ngang nhiên đốn hạ cổ thụ đã có sự bật đèn xanh từ chính quyền qua việc "ký đơn" và sự im lặng khó hiểu của chính quyền !
Phạm Tuân
Bài 2: Có dấu hiệu "tiếp tay"?