Cụ thể, Bộ GTVT đồng thuận với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ việc cần thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, sử dụng hiệu quả ngân sách trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Trả lời kiến nghị của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về việc Bộ GTVT nghiên cứu xây dựng quy hoạch, kế hoạch khoa học, nâng cao chất lượng hệ thống xe buýt, phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng, hạn chế xe cá nhân, phát triển giao thông đô thị bền vững, xây dựng lối sống văn minh; đẩy mạnh sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường; phát triển xã hội hóa xe buýt vận hành theo chuẩn mực thị trường để giảm gánh nặng cho ngân sách. Không bao cấp xin - cho nữa mà để doanh nghiệp tự quyết định chất lượng dịch vụ, những gì xã hội làm được thì phải ủng hộ xã hội làm, Bộ GTVT cho biết:
Hiện Bộ GTVT đã và đang cùng các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nội dung này.
Bộ GTVT cho biết, tại Điều 79 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã giao UBND cấp tỉnh quy định cụ thể hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị; trong thời gian qua để nâng cao chất lượng hệ thống xe buýt, phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng hạn chế xe cá nhân tham gia giao thông, phát triển giao thông đô thị bền vững, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định, văn bản hướng dẫn để các tỉnh, thành phố thực hiện; đồng thời Bộ GTVT và Bộ Tài chính cũng đã phối hợp hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn.
Hiện nay, mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã hình thành và phát triển tại 60/63 tỉnh, thành (chỉ còn tỉnh Hà Giang, Lai Châu và tỉnh Yên Bái chưa có xe buýt hoạt động).
Thành phố Hồ Chí Minh đang có 2.109 phương tiện xe buýt hoạt động trên 126 tuyến xe buýt, trong đó 1.840 xe hoạt động trên 91 tuyến xe buýt có trợ giá (15 xe buýt điện, 496 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, 1.329 xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel); 35 tuyến buýt không trợ giá; ngoài ra, có 148 phương tiện tham gia hoạt động đưa đón học sinh, sinh viên. Toàn hệ thống hạ tầng xe buýt hiện có 87 vị trí điểm đầu cuối của các tuyến xe buýt, trong đó có 25 vị trí được bố trí trong bến bãi ổn định, 03 bến bãi ngoài địa giới thành phố Hồ Chí Minh; 10 vị trí sử dụng khuôn viên đất các cơ quan đơn vị trường học; 05 vị trí bố trí trên đất của người dân và địa phương (doanh nghiệp vận tải ký hợp đồng thuê đất trực tiếp của người dân và địa phương); 36 vị trí đang sử dụng tạm lỏng lề đường. Ngoài ra, còn có 08 bãi hậu cần xe buýt đang phục vụ việc lưu đỗ đêm, sửa chữa, bảo dưỡng xe buýt; có 4.477 vị trí điểm dừng xe buýt (704 nhà chờ xe buýt, 3.064 trụ dừng xe buýt, 59 biển treo điểm dừng xe buýt).
Thành phố Hà Nội đang có 2.245 xe buýt hoạt động trên 154 tuyến, trong đó 1.990 xe với 234 xe sử dụng năng lượng sạch (139 xe CNG và 95 xe buýt điện) hoạt động trên 132 tuyến buýt trợ giá; 08 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận không trợ giá và 02 tuyến City tour hoạt động có hành trình tương tự xe buýt. Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến: 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 510/579 số xã, phường thị trấn đạt 88,1%; 65/75 bệnh viện đạt 87%, 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 67%; 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt 100%; 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%; 22/24 làng nghề đạt 91,6%, 23/25 khu di tích lịch sử văn hoá, khu du lịch đạt 92% kết nối với 07 tỉnh thành lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc). Hệ thống hạ tầng xe buýt hiện có 4.396 điểm dừng, 351 nhà chờ, 05 điểm xe buýt trung chuyển, 120 điểm đầu cuối và 12,9 km đường dành riêng cho xe buýt.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố như: Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế... đang phát triển mạnh về số lượng và chất lượng các tuyến xe buýt.
Về việc đẩy mạnh sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường, theo Bộ GTVT, vấn đề này đang được các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện. Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư nhiều tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG, LPG, điện: 511 xe tại Thành phố Hồ Chí Minh, 234 xe tại thành phố Hà Nội) để phục vụ người dân.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao GTVT. Bộ GTVT đang phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện, tăng cường đầu tư sử dụng xe buýt đáp ứng thân thiện với môi trường và phủ hợp với điều kiện của các địa phương khi khai thác.
Đối với việc phát triển xã hội hóa xe buýt vận hành theo chuẩn mực thị trường để giảm gánh nặng cho ngân sách, không bao cấp xin - cho, để doanh nghiệp tự quyết định chất lượng dịch vụ, những gì xã hội làm được thì phải ủng hộ xã hội làm, Bộ GTVT cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Qua đó, các tỉnh, thành phố thực hiện việc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh vận tải.
Bộ GTVT đồng thuận với đề xuất Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về việc kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội về việc hạn chế phương tiện cá nhân để phát triển phương tiện công cộng bền vững, văn minh.
Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, khuyến khích cho học sinh, sinh viên, cán bộ công chức và người lao động sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khi đi học, đi làm và các chuyến đi khác.
Thông qua các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền về an toàn giao thông; về lợi ích, tác dụng của việc đi xe buýt, các thông tin về chất lượng dịch vụ xe buýt, các chính sách đối với người đi xe buýt như: Miễn, giảm giá vé và giá vé tháng ưu đãi.
Bộ GTVT đồng thuận với kiến nghị của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ: Giá cả dịch vụ xe buýt phải được tính đúng, tính đủ, phù hợp với nhu cầu của từng tầng lớp khách hàng; việc kê khai giá, quản lý giá phải được thực hiện minh bạch, đúng pháp luật.
Theo quy định của Luật Giá, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá; Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/20216 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ; các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ GTVT: Hiện nay giá cước vận tải đang được thực hiện theo hình thức đơn vị vận tải kê khai giá, gửi đến cơ quan quản lý (Sở GTVT) tại địa phương tiếp nhận, sau đó đơn vị vận tải thực hiện niêm yết giá theo quy định tại Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020, Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT ngày 04/02/2021 và Thông tư số 17/2022/TT-BGTVT ngày 15/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo tuyến cố định: Kê khai giá cước (đồng/hành khách), kê khai giá cước vé tháng áp dụng cho các đối tượng (đồng/vé/tháng) trên các tuyến vận tải xe buýt của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đối với tuyến xe buýt có trợ giá từ ngân sách nhà nước, giá cước thực hiện theo quy định của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT, các Sở ngành liên quan trên địa bàn nghiên cứu, rà soát các nội dung nêu trên, triển khai thực hiện theo quy định. Chú trọng công tác đấu thầu công khai, minh bạch khi lựa chọn đơn vị tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ GTVT, các Bộ ngành trong việc hoàn thiện quy định để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành hoặc trình UBND tỉnh, thành phố ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi và các giải pháp để phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Tổ chức giao thông phù hợp, thuận lợi cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hoạt động; tăng cường kết nối các phương thức vận tải trong đô thị, kết nối các nhà ga, cảng hàng không, bến tàu, đường sắt đô thị thông qua hệ thống tuyến xe buýt; hoàn thiện mạng lưới tuyến xe buýt để nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng.
Đẩy mạnh ứng dụng vé điện tử; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Hoàn thiện hệ thống hạ tầng điểm đầu cuối tuyến xe buýt, điểm dừng, nhà chờ xe buýt đảm bảo hiện đại, an toàn khi hành khách tiếp cận lên xuống xe, thuận lợi, dễ dàng chuyển tuyến khi đi lại của hành khách.
* Ngày 25/7/2022, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm "Để xe buýt thực sự là một lựa chọn văn minh" để thảo luận về những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực vận tải xe buýt và đề xuất giải pháp cho các nhà quản lý, cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là phục vụ tốt hơn cho người dân ở các thành phố lớn.
Trên cơ sở tổng hợp tình hình thông tin báo chí dư luận liên quan đến Tọa đàm, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo:
- Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xây dựng quy hoạch, kế hoạch khoa học, nâng cao chất lượng hệ thống xe buýt, phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng, hạn chế xe cá nhân, phát triển giao thông đô thị bền vững, xây dựng lối sống văn minh; đẩy mạnh sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường; phát triển xã hội hóa xe buýt vận hành theo chuẩn mực thị trường để giảm gánh nặng cho ngân sách. Không bao cấp xin-cho nữa mà để doanh nghiệp tự quyết định chất lượng dịch vụ, những gì xã hội làm được thì phải ủng hộ xã hội làm.
- Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội về việc hạn chế phương tiện cá nhân để phát triển phương tiện công cộng bền vững, văn minh.
- Thanh tra Chính phủ cần thanh tra việc trợ giá xe buýt ở các thành phố lớn để làm rõ: Ai được hưởng lợi từ trợ giá, có thất thoát hay không ngân sách nhà nước khi chỉ định thầu các đơn vị vận tải được trợ giá? Trong khi mỗi năm nhà nước trợ giá hàng nghìn tỷ đồng trợ giá xe buýt nhưng chất lượng không tăng hơn.
- Các địa phương nghiên cứu lập quy hoạch phát triển xe công cộng trên địa bàn; đẩy mạnh việc giám sát đảm bảo chất lượng phục vụ hành khách, bảo đảm chính sách phục vụ người dân, trong đó có đối tượng người khuyết tật, người yếu thế.
- Việc tổ chức đấu thầu các tuyến xe buýt cần được thực hiện công khai, minh bạch để thu hút các doanh nghiệp uy tín tham gia "Nhà nước phải thay nhân dân tìm được nhà thầu tốt nhất. Đấu thầu phải đàng hoàng, không được quân xanh, quân đỏ, phát nổ phát xịt".
- Giá cả dịch vụ xe buýt phải được tính đúng, tính đủ, phù hợp với nhu cầu của từng tầng lớp khách hàng; việc kê khai giá, quản lý giá phải được thực hiện minh bạch, đúng pháp luật.
- Bộ Giao thông cần xây dựng bộ tiêu chí, quy chuẩn, quy định về chất lượng xe buýt, tổ chức đánh giá thường xuyên, có chế tài để xử phạt nếu có vi phạm. Cần xây dựng các cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp, các đơn vị vận tải nhiều thành phần tham gia vào ngành dịch vụ này.
- Cần có cách tính trợ giá phù hợp, theo sát với thực tế, hiệu quả, "phải rất thông minh trong việc cung cấp trợ giá. Cung cấp trợ giá phải khuyến khích phục vụ người dân tốt hơn".
Tại văn bản 5105/VPCP-CN ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu xem xét, chỉ đạo đối với các kiến nghị của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nêu trên.
Tuệ Văn