Theo Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý, trong Quý III/2023, Bộ Tư pháp đã triển khai toàn diện, đầy đủ và đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả nổi bật.
Cụ thể, công tác tham mưu quản lý nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tiếp tục được chú trọng thực hiện, Bộ Tư pháp đã trình 6/6 văn bản, đề án theo Chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm tiến độ trình Quốc hội đúng thời hạn các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, như: Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; các Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023; Báo cáo tình hình thi hành Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, Nghị quyết của UBTVQH; Báo cáo hoạt động tương trợ tư pháp; Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống VBQPPL theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp các bộ, ban, ngành có liên quan tổ chức nhiều Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để cho ý kiến, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt là phối hợp với các cơ quan tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật được tiếp tục tập trung thực hiện. Bộ Tư pháp tham mưu thành lập nhiều đoàn kiểm tra tại một số bộ, ngành, địa phương về công tác này. Đặc biệt, đã tham mưu và tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV tại các khu vực, góp phần thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở.
Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý tiếp tục được tăng cường. Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện thể chế trong một số lĩnh vực, như: Tham mưu xây dựng, trình Dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và một số văn bản hướng dẫn thi hành khác. Công tác thanh tra, kiểm tra trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, như: Xử lý vi phạm hành chính, bồi thường nhà nước, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, công chứng, trợ giúp pháp lý…. được chú trọng thực hiện. Việc hướng dẫn nghiệp vụ trong lĩnh vực này được thực hiện kịp thời.
Về nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp từ nay đến hết năm 2023, ông Đỗ Xuân Quý cho biết, Bộ Tư pháp quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực Bộ Tư pháp được giao; tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; chủ trì phối hợp các bộ, ngành chuẩn bị Đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh năm 2024.
Tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Bộ Tư pháp năm 2023, trọng tâm là Vòng chung kết toàn quốc Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của Bộ Tư pháp; triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực thông tin, kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng (cao nhất từ 2013 đến nay).
"Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng tôi đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ và xử lý nghiêm vi phạm của công chức nếu có vi phạm với phương châm nhận diện tham nhũng, tiêu cực "từ sớm, từ xa" trong hoạt động của toàn bộ Hệ thống THADS", ông Lực cho hay.
Liên quan đến công ty bất động sản Nhật Nam, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết: Bộ Tư pháp đã nhận được văn bản trao đổi của cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục đã có chỉ đạo Sở Tư pháp các địa phương để rà soát cơ sở dữ liệu và phối hợp với cơ quan điều tra ngăn chặn các giao dịch trong quá trình thực hiện.
Về công tác đấu giá tài sản liên quan đến vụ "bỏ cọc" khi đấu giá biển số ô tô vừa qua, bà Nguyễn Thị Hoa nêu rõ, Nghị quyết 73 của Quốc hội cũng có những quy định về việc tính tiền đặt trước ở mức tương đối cao, bằng giá khởi điểm đưa ra là 40 triệu đồng. Để hạn chế bỏ cọc, Luật Đấu giá tài sản còn có nhiều chế tài ràng buộc trách nhiệm của khách hàng, như không được nhận lại tiền đặt trước, sẽ bị truất quyền đấu giá nếu không thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính...
Đặc biệt, người vi phạm quy định về đấu giá còn bị xử phạt hành chính, còn biển số xe đã trúng tiếp tục được đưa ra đấu giá lại. "Như vậy, tôi nghĩ luật đã quy định những chế tài tương đối đầy đủ, trong đó nếu có dấu hiệu vi phạm có thể xử phạt vi phạm hành chính", bà Nguyễn Thị Hoa nói.
Để khắc phục lỗ hổng đấu giá trong thời gian tới, đại diện Cục Bổ trợ tư pháp khẳng định Bộ Tư pháp đang nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, dự kiến Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XV. Trong đó, tập trung giải quyết vấn đề tăng trách nhiệm của người tham gia đấu giá, nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan liên quan.
Lê Sơn