Bộ phận một cửa của huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: VGP/Gia Huy |
Tích cực cải cách thể chế
Liên tục ba năm 2017-2019, công tác cải cách hành chính (CCHC) của TP. Hà Nội nằm ở vị trí top đầu của cả nước. Kết quả CCHC của Thành phố được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao, chỉ số CCHC của thành phố Hà Nội năm 2019 đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố, tiếp tục ổn định và duy trì thứ hạng cao của năm 2018.
Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố (SIPAS) đạt trên 80%, hoàn thành chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020 của UBND thành phố Hà Nội. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, đây là năm thứ 2 thành phố Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI. Trong 7 năm liên tiếp từ năm 2012, Chỉ số PCI của Hà Nội duy trì tăng hạng và tăng điểm.
Tại hội thảo "Cải cách hành chính qua các thời kỳ - những giá trị cốt lõi và vận dụng sáng tạo trong cải cách hành chính của thành phố Hà Nội" tháng 10/2020, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: “Hà Nội có 8,2 triệu dân nhưng thực tế có hơn 10 triệu người đang sinh sống, nên làm sao để điều hành, xây dựng một Thành phố thông minh, Thành phố sáng tạo là một mục tiêu khó khăn, cần rất nhiều điều kiện, trong đó yêu cầu của công cuộc CCHC đặt ra rất cấp thiết”.
Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã xây dựng chương trình công tác số 08 về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức”; ban hành kế CCHC hàng năm xác định rõ yêu cầu, cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại kế hoạch CCHC giai đoạn 2016 - 2020 của Thành phố bảo đảm chất lượng, hiệu quả
Cải cách thể chế nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thành phố trong thời gian qua. Thành phố đã ban hành một số quy định liên quan phát triển kinh tế, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nhằm mục đích xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng; tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo sự đột phá về thu hút đầu tư, cả trong nước và đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, Thành phố cũng có chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mạng lưới tư vấn viên; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, khởi nghiệp sáng tạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác CCHC còn có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô. Đó là Chỉ số Hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Thành phố đang đứng ở vị trí thấp; Chỉ số SIPAS tuy đã đạt mục tiêu đề ra, nhưng còn thấp hơn so với mức trung bình chung cả nước. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều; một số cán bộ vi phạm nội quy, quy chế, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, gây bức xúc cho nhân dân.
Nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
Theo TS. Võ Hải Long, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, năm 2017 Thành phố đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện việc khảo sát, đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước thuộc Hà Nội. Việc khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng chung toàn Thành phố được tổ chức ít nhất một lần trong năm; khuyến khích các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai thực hiện nhiều lần trong năm. UBND các quận, huyện, thị xã của Thành phố đều chủ động xây dựng kế hoạch khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị.
Theo TS. Võ Hải Long, công tác khảo sát đã đạt được những kết quả nhất định và được người dân, tổ chức đánh giá cao sự phục vụ của các cơ quan hành chính; đa số đồng tình việc khảo sát cần tiến hành thường xuyên để người dân có thể trực tiếp phản ánh ý kiến đến các cơ quan quản lý nhà nước. Chính vì vậy, việc triển khai công tác đo lường mức độ hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ hành chính giai đoạn 2016-2020 đạt được một số kết quả như: Mô hình triển khai khảo sát, đo lường cơ bản đã được định hình, sát với thực tiễn phục vụ hành chính của các cơ quan hành chính.
Qua thực tiễn triển khai thực hiện và rút kinh nghiệm những năm qua, đến nay mô hình, phương pháp khảo sát, đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại thành phố Hà Nội cơ bản hoàn thiện.
Hà Nội cũng bước đầu xác định được mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Đối với UBND Thành phố, chỉ số hài lòng đã trở thành một công cụ quản lý công tác CCHC, giúp đánh giá đúng mức những vấn đề đã làm được, chưa làm được của cả hệ thống, đo lường đúng mức kết quả đầu ra và tác động thực sự của CCHC mà người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể cảm nhận được. Từ đó, có chỉ đạo kịp thời, chính xác về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cải CCHC trên toàn địa bàn Thành phố.
Chỉ số hài lòng đã tạo ra sự thay đổi nhận thức của các sở, ngành, các địa phương theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ để người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng hài lòng hơn là kết quả có ý nghĩa rất quan trọng.
Tiếp tục nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ
Theo TS. Võ Hải Long, để tiếp tục nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, Hà Nội cần tiếp tục nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Điều này thực hiện qua thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp trong Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Cán bộ, công chức vi phạm quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ bị xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định.
Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước, cụ thể các sở, cơ quan ngang sở, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quy chế công khai, minh bạch trên cơ sở các quy định pháp luật về công khai, minh bạch đối với lĩnh vực quản lý, thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị mình. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc bảo mật thông tin trong quản lý. Nghiêm cấm việc lấy lý do thuộc danh mục bí mật Nhà nước để từ chối cung cấp thông tin khi có yêu cầu đối với những danh mục không thuộc phạm vi “mật".
Một vấn đề được TS. Võ Hải Long nhấn mạnh là cần tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Các cơ quan hành chính Thành phố ban hành quy định về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đối thoại để làm cơ sở xem xét, đánh giá và xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức trong trường hợp để xảy ra sai phạm hoặc chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân, tổ chức.
Thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi nhũng nhiễu trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục cấp các loại giấy phép, đăng ký tài sản, đăng ký kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuế, hải quan, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký hộ khẩu, tuyển sinh, công chứng, chứng thực, khám chữa bệnh...
Thành phố cần tăng cường cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn người dân tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến. Mở rộng mô hình khu dân cư điện tử trong khu vực nội thành và những nơi có điều kiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá độc lập về chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Đối với đội ngũ cán bộ, cần nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân. Bảo đảm cán bộ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là những người có năng lực, am hiểu pháp luật, có kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống.
Hòa An