Ngày 22/6, ĐH Bách khoa Hà Nội khánh thành công trình xây dựng, cung cấp lắp đặt thiết bị tòa nhà C7 thuộc Dự án SAHEP - dự án đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục ĐH tại ĐH Bách khoa Hà Nội với sự hỗ trợ vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Dự án có tổng mức đầu tư 50 triệu USD, trong đó 21,5 triệu USD đầu tư cho các hạng mục xây dựng và 24,5 triệu USD đầu tư cho 30 phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình của ĐH Bách khoa Hà Nội trong tiến trình tự chủ và nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.
Dự án SAHEP hướng đến 2 mục tiêu chính là chính sách đầu tư, hỗ trợ tài chính và đổi mới cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách tự chủ ĐH, nhằm hướng đến nâng cao năng lực nghiên cứu, chất lượng đào tạo và nâng cao chất lượng quản trị ĐH, đồng thời giúp nâng cao quản lý hệ thống giáo dục ĐH ở Việt Nam.
Từ thành công bước đầu của toà nhà C7, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị ĐH Bách khoa Hà Nội cần chủ động một số nội dung. Đó là, trên cơ sở mô hình quản trị được nâng cao, mô hình quản trị được cải tiến, xây dựng hình mẫu ĐH Bách khoa Hà Nội tự chủ và hiện đại chú trọng hội nhập quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học; chú trọng chuyển đổi số và phát triển theo mô hình đại học số chia sẻ, là điển hình để các cơ sở giáo dục ĐH trong hệ thống học tập và áp dụng.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế, tiếp tục xây dựng hạ tầng khuôn viên và cơ sở vật chất hiện đại, xây dựng hệ thống tài chính vững mạnh, phát triển đội ngũ cán bộ cả về chất và lượng; tạo nguồn lực cho ĐH Bách khoa Hà Nội phát triển nhanh và mạnh, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Tất cả những nỗ lực này nhằm xây dựng "Đề án phát triển ĐH Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á" theo nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hoạt động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát tiển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Tại buổi lễ khánh thành, ông Michael Drabble, chuyên gia giáo dục cao cấp của WB, Chủ nhiệm Dự án SAHEP đánh giá: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, bất chấp khó khăn, ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn rất kiên cường thực hiện đúng tiến độ và chất lượng công trình. Đây cũng là một bài học về tự chủ ĐH.
Cùng tòa nhà C7, một số kết quả tại ĐH Bách khoa Hà Nội trong giai đoạn 2019-2022 đã phản ảnh rõ nét tác động quan trọng có được từ dự án SAHEP: Trong khuôn khổ dự án, bằng nguồn vốn đối ứng đã có 54/67 chương trình đào tạo được cập nhật, điều chỉnh đáp ứng yêu cầu của mô hình đào tạo.
Giai đoạn 2019-2022, tổng chương trình đào tạo thuộc dự án SAHEP của ĐH Bách khoa Hà Nội đã được kiểm định và đạt chứng nhận chất lượng tính đến thời điểm báo cáo là 20, đạt 167% kế hoạch đã đề ra.
Tòa nhà C7 với 15 phòng thí nghiệm đào tạo và 15 phòng thí nghiệm nghiên cứu sẽ đồng hành hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu ngành cơ khí, điện-điện tử, vật liệu hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh hơn nữa trong các lĩnh vực này.
Dự án SAHEP đã đạt được các mục tiêu đã đề ra và sẽ là một điển hình nhân rộng ra các lĩnh vực còn lại, giúp phát triển ĐH Bách khoa Hà Nội một cách tốt nhất và trở thành ĐH nghiên cứu theo định hướng chiến lực đã đặt ra.
Phương Liên