![]() |
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, bên cạnh kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Quy định về thông báo nghĩa vụ phải thi hành án như hiện nay quá rườm rà; trách nhiệm của cơ quan tổ chức trong việc thực hiện yêu cầu của chấp hành viên về xác minh điều kiện thi hành án còn thiếu chế tài nên gặp nhiều khó khăn...
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành án, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghiệp vụ thi hành án dân sự, đầu năm 2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Quy trình tổ chức thi hành án trong nội bộ cơ quan thi hành án dân sự. Quy trình này xác định rõ thời gian thực hiện trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, nhằm bảo đảm việc tổ chức thi hành án kịp thời, đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và công dân.
Giám đốc Dự án Quản trị nhà nước, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ David Anderson cho biết, những năm gần đây, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã hợp tác với Bộ Tư pháp và các bộ ngành khác cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong hoạt động kinh doanh, đem lại hiệu quả rõ nét.
Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2017 cho thấy, môi trường kinh doanh đã thăng 14 hạng so với năm trước là sự tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ vừa qua mà Việt Nam đạt được.
Tuy nhiên, theo ông David Anderson, có rất nhiều việc phải làm để tăng cường hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng, trong đó có công tác thi hành án. Cơ quan Quốc tế Hoa Kỳ cam kết sẽ nỗ lực hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong tương lai
Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự Lê Thị Kim Dung cho biết, kết quả khảo sát tại các địa phương thời gian qua cho thấy, hệ thống thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự hiện nay đã bảo đảm về số lượng, nhưng việc xử lý công việc và giải quyết khiếu nại còn chậm trễ, kéo dài thời gian thi hành án. Nguyên nhân là do cán bộ giải quyết còn kiêm nhiệm, các văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập...
Bà Lê Thị Kim Dung cho rằng, cần bổ sung thêm quy định pháp luật để chấp hành viên hoặc cán bộ, công chức cơ quan Thi hành án dân sự được tham gia hay thông tin về quá trình xét xử nhằm tiếp cận ngay từ đầu để nắm thông tin, tìm hiểu nội dung tạo điều kiện thuận lợi cho thuận lợi cho việc thi hành án sau này.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ các chi cục thi hành án dân sự các địa phương, viện kiểm sát nhân dân, công ty bán đấu giá tài sản, công ty thẩm định giá; các giảng viên đến từ một số trường đại học đã thảo luận, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy trình tổ chức thi hành án và thủ tục hành chính trong thi hành án dân sự, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự tại Việt Nam.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự, các chuyên gia cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm phối hợp, chế tài đối với các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc thực hiện yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự; rà soát, sửa đổi tổng thể các quy định pháp luật về thi hành án dân sự; nâng cao công tác tuyền truyền, phổ biến pháp luật cho người dân tại cơ sở, địa phương.
Lê Sơn