Quan hệ hợp tác Việt- Trung không ngừng phát triển
Tại Kỳ họp, hai bên điểm lại tình hình hợp tác kinh tế thương mại và công nghiệp Việt Nam - Trung Quốc kể từ Kỳ họp lần thứ 10 (tháng 10/2017) đến nay. Hai bên nhất trí đánh giá, mặc dù đại dịch COVID-19 và nhiều biến động địa - chính trị trên thế giới đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, thương mại toàn cầu, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển, đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận và trở thành điểm sáng trong quan hệ song phương.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 và là đối tác lớn nhất trong các nước ASEAN của Trung Quốc.
Phát biểu tại Kỳ họp, Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Lý Phi khẳng định, Bộ Thương mại Trung Quốc rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam, đồng thời đánh giá cao những thành quả hai bên đã đạt được trong thời gian vừa qua.
Nhân dịp này, đồng chí Lý Phi đề xuất một số phương hướng, biện pháp thúc đẩy hơn nữa quy mô thương mại song phương thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng tại Trung Quốc như Hội chợ triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc, Hội chợ triển lãm Trung Quốc – ASEAN, tăng cường hợp tác đảm bảo thuận lợi hóa thương mại tại các cửa khẩu biên giới...
Phía Trung Quốc cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phòng vệ thương mại, thương mại điện tử; trao đổi ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng Trung - Việt; tăng cường hợp tác trong khuôn khổ đa phương; thúc đẩy giải quyết một số vướng mắc trong hợp tác thương mại, công nghiệp song phương…
Tại Kỳ họp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lần lượt phản hồi đối với những nội dung, đề xuất hợp tác phía Trung Quốc nêu. Thứ trưởng đánh giá cao vai trò của Ủy ban Hợp tác Kinh tế thương mại Việt – Trung và Nhóm Công tác thuận lợi hóa thương mại Việt – Trung trong việc thúc đẩy và tháo gỡ kịp thời khó khăn trong thương mại song phương, đặc biệt là giải tỏa tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực biên giới thời gian qua.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đưa ra một số đề xuất nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn và khôi phục thông quan tại các cửa khẩu biên giới; tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải đường sắt giữa hai nước và hoạt động quá cảnh Trung Quốc đi nước thứ ba; tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường Trung Quốc đối với nông sản, thủy sản Việt Nam; hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động xúc tiến thương mại và tăng cường hợp tác về quản lý thị trường.
Phản hồi các đề xuất của phía Việt Nam, đồng chí Lý Phi khẳng định, Trung Quốc coi trọng các đề xuất của Việt Nam, cho biết phía Trung Quốc đang phối hợp với cơ quan liên quan Việt Nam hoàn tất đàm phán Nghị định thư mở cửa thị trường Trung Quốc đối với khoai lang, tổ yến của Việt Nam trong thời gian tới; mong muốn mở rộng nhập khẩu các loại nông sản chất lượng cao từ Việt Nam.
Phía Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh, sẵn sàng phối hợp bảo đảm duy trì thông suốt, tránh gián đoạn và nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu biên giới với phía Việt Nam trên tiền đề đảm bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Kỳ họp lần thứ 11 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã diễn ra trong không khí hữu nghị, chân thành, thẳng thắn và thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
Trong 9 tháng năm 2022, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 132,38 tỷ USD, tăng 10,21% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,22 tỷ USD, tăng 6,22% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu từ Trung 91,15 tỷ USD, tăng 12,12% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 49,93 tỷ USD, tăng 17,51% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ.
PT