Ngày 10/11, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn, UBND TP. Bắc Kạn tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho gần 90 hòa giải viên của thành phố Bắc Kạn. Hội nghị nhằm tiếp tục triển khai Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022".
Để thực hiện chủ trương này, bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về hòa giải ở cơ sở, thì vấn đề củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên về kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải luôn được các cơ quan quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện.
Phát biểu tại hội nghị, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, công tác hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng góp phần giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân; củng cố, phát huy tình cảm và đạo lý và truyền thống tốt đẹp trong gia đình, cộng đồng; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội. Theo số liệu thống kê trên toàn quốc, tỉ lệ hòa giải thành trung bình của cả nước hiện là trên 80%.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022, tại Bắc Kạn, tỉ lệ này là hơn 70%, tại TP. Bắc Kạn là 70,9%. Điều này đặt ra yêu cầu đối với cơ quan quản lý nhà nước, hòa giải viên ở cơ sở của tỉnh Bắc Kạn nói chung, TP. Bắc Kạn nói riêng cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải, để hòa giải thực sự là kênh để người dân tin tưởng, lựa chọn khi có tranh chấp, xích mích xảy ra. Để hòa giải ở cơ sở thực sự có phát huy được vai trò, hiệu quả thì trước hết cần nâng cao chất lượng của đội ngũ hòa giải viên cơ sở, hoạt động của tổ hòa giải.
Tại hội nghị, các báo cáo viên của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã giới thiệu, hướng dẫn, chia sẻ về các kiến thức pháp luật cơ bản về hòa giải ở cơ sở như phạm vi hòa giải, nguyên tắc tổ chức và hoạt động hòa giải…; kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên bằng phương pháp kết hợp giữa lý thuyết và nêu các tình huống, dẫn chứng minh họa.
Đặc biệt, để mỗi hòa giải viên có thể nắm, vận dụng được các kỹ năng hòa giải, với phương pháp tập huấn cùng tham gia, lấy người học làm trung tâp, các hòa giải viên đã được trực tiếp cùng nhau thảo luận nhóm, làm bài tập tình huống vụ việc hòa giải điển hình về các lĩnh vực (như mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, xây dựng, môi trường, mâu thuẫn trong hôn nhân và gia đình, tranh chấp về thừa kế...).
Sau khi mỗi nhóm trình bày cách thức tiến hành, xử lý, giải quyết vụ việc hòa giải (trả lời trực tiếp, phân vai diễn), các hòa giải viên khác đưa ra nhận xét đánh giá, bổ sung thêm kỹ năng, kinh nghiệm, hướng giải quyết vụ việc. Cuối cùng, giảng viên sẽ thống nhất về phương án, cách thức giải quyết tình huống vụ việc.
Hội nghị được các hòa giải viên đánh giá cao về sự cần thiết, tính thiết thực để giúp hòa giải viên nâng cao năng lực hòa giải. Thông qua phương pháp làm bài tập nhóm đã giúp tăng cường sự tương tác, chia sẻ, giao lưu kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải giữa các hòa giải viên từ đó giải quyết vấn đề, vụ việc một cách thấu tình, đạt lý hơn.
LS