Ngày 30/1, Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển doanh nghiệp (trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức Hội thảo tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực phía bắc.
TS. Nguyễn Ngọc Kim Anh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Khoa học, Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp nhấn mạnh việc giảm phát thải khí nhà kính là xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt nếu các doanh nghiệp của Việt Nam muốn tham gia cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam là một trong các quốc gia đã tuyên bố mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. So với Báo cáo Đóng góp quốc gia tự quyết định 2020 (NDC 2020), NDC cập nhật 2022 (NDC2022) Việt Nam đã tăng mức đóng góp giảm phát thải không điều kiện đến năm 2030 từ 9% lên 15,8%; và đóng góp có điều kiện từ 27% lên 43,5% (so với kịch bản phát triển thông thường BAU).
Để đạt được mục tiêu đề ra, tại Việt Nam, ngoài các nhóm giải pháp kỹ thuật cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định rõ vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình.
Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành các nghị định, quyết định như Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu…
Theo quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các mục tiêu hướng tới giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết, các doanh nghiệp sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin phục vụ kiểm kê khí nhà kính trước ngày 31 tháng 3 năm 2023 và đến năm 2024, các đơn vị cơ sở sẽ phải kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần gửi UBND cấp tỉnh trước ngày 31 tháng 3 kể từ năm 2025.
Tuy nhiên, việc kiểm kê khí nhà kính là quy định mới tại Việt Nam và tương đối phức tạp nên phần lớn doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức phát triển cần có kế hoạch hỗ trợ, nâng cao năng lực làm báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho chính doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), các nhà khoa học của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng các doanh nghiệp đều cho rằng, không một nước nào có thể giảm phát thải khí nhà kính nếu không có sự đóng góp của các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, bản thân các doanh nghiệp phải có sự chuyển dịch xanh để hướng tới sử dụng các công nghệ ít phát thải carbon cũng như sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho nguồn năng lượng truyền thống như than, dầu, khí.
Tuy nhiên, đây là quá trình chuyển đổi lâu dài bởi mỗi quy trình sản xuất doanh nghiệp đều đã được thiết lập cố định nên việc chuyển đổi cần thời gian, lộ trình. Vì vậy, việc kiểm kê phát thải khí nhà kính chính là bước đi đầu tiên và nền tảng nhất để doanh nghiệp biết được vị trí trong bản đồ giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, từ đó đưa ra những kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính hợp lý.
Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ cân đối phân bổ các hạn ngạch phát thải cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ có nguồn huy động tài chính xanh và hỗ trợ từ quốc tế.
Những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu có ý thức cần phải kiểm kê khí nhà kính. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn lực con người, tài chính, về kinh nghiệm thực tiễn, chưa biết sử dụng hướng dẫn kỹ thuật nào để tuân thủ...
Các chuyên gia cũng chỉ ra bài học kinh nghiệm trong kiểm kê khí nhà kính như: Cần hoàn thiện chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu; thực hiện song song việc hướng dẫn các văn bản thi hành cũng như nâng cao hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để doanh nghiệp nhận thức được việc kiểm kê khí nhà kính là nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp. Từng bước nâng mức độ, yêu cầu đối với kiểm kê khí nhà kính và đào tạo, tập huấn kiểm kê khí nhà kính cho các bên liên quan.
Đồng thời, rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đầu tư công trình, hạ tầng cơ sở công nghiệp, thương mại, năng lượng, lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, chiến lược…
Hoàng Giang