Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) khẳng định, việc tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ thực hiện kịp thời, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý vững chắc, đầy đủ để thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý nhà nước của ngành, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời, công tác tuyên truyền, tập huấn được thực hiện thường xuyên, liên tục; công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã chú trọng thực chất, tập trung hướng dẫn các tình huống cụ thể nên đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn công tác.
Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ LĐTB&XH cũng nhấn mạnh những kết quả tổ chức thực hiện về: Tiếp công dân; tình hình giải quyết các đơn liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; kết quả tiếp nhận thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 qua đường dây nóng;…
Trên cơ sở phân tích khó khăn, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, Bộ LĐTB&XH kiến nghị tăng biên chế đối với Thanh tra Bộ LĐTB&XH để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ; tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ năng và xử lý tình huống trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo;…
Thảo luận tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, báo cáo của Bộ LĐTB&XH đã phản ánh được tình hình, kết quả thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ trong giai đoạn 2016 – 2021; chỉ ra các tồn tại, hạn chế và đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ LĐTB&XH tiếp tục bổ sung số liệu về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện các chính sách về hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp;…
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị, Bộ LĐTB&XH chỉ rõ những hạn chế chính sách pháp luật cụ thể khi phân tích, đánh giá nguyên nhân dẫn tới khiếu nại tố cáo nhiều do có thiếu sót, bất cập từ chính sách, pháp luật hiện hành;…
Kết luận nội dung cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám đánh giá báo cáo của Bộ LĐTB&XH được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đã bám sát yêu cầu, mục đích, đề cương giám sát và tình hình thực tiễn, từ đó làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến chuyên đề giám sát.
Nhấn mạnh Bộ LĐTB&XH với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về chính sách liên quan đến nhiều lĩnh vực, liên quan trực tiếp đời sống người dân, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ cần tiếp tục rà soát, chuẩn hóa số liệu làm cơ sở để đánh giá chính xác, tránh mâu thuẫn trong các nhận định...
Để hoàn thiện báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ đánh giá sâu sắc hơn công tác tiếp công dân, nhất là hoạt động tiếp công dân của người đứng đầu các cấp của ngành lao động-thương binh và xã hội, trong đó có lãnh đạo Bộ. Ngoài ra cần có nhận định đánh giá một số vấn đề trọng tâm liên quan đến lĩnh vực người có công, lĩnh vực lao động, việc làm, lĩnh vực đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;...
Nguyễn Hoàng