In bài viết

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong PCCC và cứu nạn cứu hộ

(Chinhphu.vn) - Bộ Công an chính thức ban hành 06 Thông tư liên quan đến lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và công tác cứu nạn, cứu hộ nhằm tạo cơ sở pháp lý cụ thể và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

15/01/2021 17:13

Theo đó, 06 Thông tư ban hành, gồm: 

- Thông tư số 139/2020/TT-BCA ngày 23/12/2020 quy định về công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân;

- Thông tư số 140/2020/TT-BCA ngày 23/12/2020 quy định về triển khai các hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân;

- Thông tư số 141/2020/TT-BCA ngày 23/12/2020 quy định công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân;

- Thông tư số 148/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2015/TT-BCA ngày 26/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;

- Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

- Thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 quy định về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.

Nghiêm cấm lợi dụng việc kiểm tra để trục lợi

6 Thông tư trên đã quy định những vấn đề liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Cụ thể, Thông tư số 139/2020/TT-BCA nêu rõ thời gian thường trực của Công an các đơn vị, địa phương thực hiện theo chế độ 24/24 giờ hằng ngày để bảo đảm sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong mọi tình huống. Công tác kiểm tra thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm an toàn, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ trong đánh giá tình hình, kết quả công tác tại đơn vị được kiểm tra; nghiêm cấm lợi dụng việc kiểm tra để trục lợi, cản trở, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm tra.

Bên cạnh đó, về công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân, Thông tư số 141/2020/TT-BCA quy định rõ việc ban hành kế hoạch kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Việc kiểm tra đột xuất được thực hiện trong các trường hợp vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ theo quy định tại điểm đ Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP hoặc khi có dấu hiệu vi phạm điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 41 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP hoặc lợi dụng hoạt động phòng cháy và chữa cháy để xâm phạm an ninh, trật tự bị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xử lý…

Ngoài ra, một số nội dung trong công tác phòng cháy, chữa cháy cũng được quy định tại Thông tư số 149/2020/TT-BCA như: nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy; khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố; tem kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy... 

Phương Nhi