In bài viết

Nâng cao vai trò, thẩm quyền của Hội đồng điều phối vùng

(Chinhphu.vn) - Đây là ý kiến được lãnh đạo nhiều địa phương đề xuất tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023, xây dựng kế hoạch năm 2024 của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, ngày 13/1, tại TP. Vinh, Nghệ An.

13/01/2024 17:00
Nâng cao vai trò, thẩm quyền của Hội đồng điều phối vùng- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Cùng với việc thực hiện một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, các địa phương cần tổng kết, kiến nghị thành cơ chế, chính sách cho toàn vùng - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, các địa phương tập trung đóng góp ý kiến tháo gỡ những khó khăn cơ chế chính sách nói chung, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, đề xuất những dự án quan trọng đối với vùng, giải pháp thúc đẩy kết nối vùng trong du lịch, văn hoá, giáo dục, y tế…

Rút ngắn khoảng cách, tạo sự gắn kết giữa các địa phương

Trong năm 2023, Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ (Hội đồng vùng) tập trung kiện toàn tổ chức, ổn định bộ máy hoạt động của mình, đồng thời hoàn thiện các nhiệm vụ lớn, trọng tâm là trình phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, làm cơ sở để tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, hệ thống đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong vùng và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, năm 2023, kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của vùng đạt khá, với tốc độ tăng trưởng đạt 5,51%, cao hơn so với tăng trưởng chung cả nước (5,05%). GRDP bình quân vùng đạt 75,6 triệu đồng/người, tăng 8% so năm 2022. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 5,5%, cao hơn so bình quân cả nước (3,65%).

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho 5 tỉnh, thành phố trong vùng, là Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ với 5 chính sách đặc thù, cơ bản đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương để tăng cường liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 13/14 quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ KH&ĐT đã hoàn thiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đã tổng hợp danh mục dự án đầu tư kết cấu hạ tầng nội vùng, liên vùng. Quy hoạch vùng được thông qua sẽ là cơ sở để các địa phương trong vùng liên kết, hợp tác và phát triển kinh tế-xã hội.

Hoạt động của Hội đồng vùng đã góp phần rút ngắn khoảng cách, tạo sự gắn kết giữa các địa phương trong vùng.

Nâng cao vai trò, thẩm quyền của Hội đồng điều phối vùng- Ảnh 2.
Nâng cao vai trò, thẩm quyền của Hội đồng điều phối vùng- Ảnh 3.
Nâng cao vai trò, thẩm quyền của Hội đồng điều phối vùng- Ảnh 4.
Nâng cao vai trò, thẩm quyền của Hội đồng điều phối vùng- Ảnh 5.

Lãnh đạo các địa phương thống nhất với đề nghị việc thực hiện nội dung kết luận của Chủ tịch Hội đồng vùng phải là yêu cầu bắt buộc của các bộ, ngành, địa phương - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Tăng cường liên kết về cơ chế, chính sách

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, chất lượng và tiến độ lập quy hoạch của các tỉnh trong vùng triển khai tốt hơn các vùng khác. Một số tỉnh đã đạt được kết quả tăng trưởng, thu hút đầu tư ấn tượng.

"Trong năm 2024, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành kế hoạch, lộ trình triển khai, giải pháp thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu của quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, tạo động lực phát triển trong giai đoạn mới; hết sức lưu ý đến vấn đề phát triển, gắn kết của các tiểu vùng", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao đổi và cho rằng, cần có cơ chế, hành lang để nâng cao vai trò, thẩm quyền của Hội đồng vùng trong xem xét, quyết định thực hiện một số dự án quan trọng của vùng cần đẩy nhanh, làm trước.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận những giải pháp, nhiệm vụ của vùng trong năm 2024: Xúc tiến, huy động nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án liên kết phát triển; hạ tầng giao thông, kỹ thuật kết nối liên vùng; ban hành khung pháp lý phát triển điện gió ngoài khơi thích ứng với biến đổi khí hậu; điều phối các hoạt động liên kết nhằm cơ cấu lại các ngành dịch vụ du lịch, logistics gắn với cảng biển, hàng không, cửa khẩu…

Nâng cao vai trò, thẩm quyền của Hội đồng điều phối vùng- Ảnh 6.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu tại Hội nghị

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung kiến nghị, từ kết quả thực hiện cơ chế, chính sách đặc thủ ở một số tỉnh, cần tổng kết, góp phần xây dựng chính sách riêng cho toàn vùng về kinh tế biển, phân cấp quản lý đất đai, quản lý quy hoạch; xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn các dự án đầu tư ưu tiên của vùng, vì mục tiêu chung.

Đồng tình với ý kiến này, Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà Nguyễn Hải Ninh cho rằng, liên kết vùng không chỉ thông qua dự án hạ tầng, mà cần quan tâm đến liên kết về mặt cơ chế chính sách thông qua học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương.

Trong khi đó, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị, việc thực hiện nội dung kết luận của Chủ tịch Hội đồng vùng phải là yêu cầu bắt buộc của các bộ, ngành, địa phương; triển khai ngay những dự án đã được nêu trong Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ…

Nâng cao vai trò, thẩm quyền của Hội đồng điều phối vùng- Ảnh 7.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng bên cạnh các dự án kết nối hạ tầng giao thông, cần thúc đẩy kết nối vùng trong du lịch, văn hoá, giáo dục, y tế…

Xây dựng tiêu chí xác định các vấn đề, dự án cấp vùng

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Hội đồng vùng có trách nhiệm lắng nghe các địa phương góp ý, đề xuất cơ chế, chính sách cho vùng, quốc gia; chia sẻ bài học, kinh nghiệm; xác định những dự án, công trình ưu tiên mang tính kết nối trong tiểu vùng, vùng và với các vùng khác.

Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT xây dựng tiêu chí, giao nhiệm vụ cho các địa phương, tiểu vùng để xác định các vấn đề, dự án ưu tiên cấp tiểu vùng, cấp vùng; lĩnh vực, ngành kinh tế cần ưu tiên đầu tư.

Trong thời gian tới, các địa phương trong vùng và các bộ, ngành cần trao đổi, thống nhất trong vùng về định hướng phát triển các dự án giao thông trọng điểm nội vùng, liên vùng, mở ra không gian phát triển mới; đầu tư, kết nối đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm…; hình thành trung tâm điện gió ngoài khơi; mạng lưới các trung tâm giáo dục, đào tạo, y tế của vùng; nâng cao vai trò của hội đồng vùng trong phân bổ nguồn lực đầu tư.

"Cùng với việc thực hiện một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, các địa phương cần tổng kết, kiến nghị thành cơ chế, chính sách cho toàn vùng; cụ thể hoá phương thức kết nối vùng về du lịch, đào tạo, y tế…; nghiên cứu cơ chế vận hành của tiều vùng trong vùng", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng đề nghị, các địa phương, bộ, ngành chuẩn bị một số hội nghị chuyên đề về du lịch, nâng cao năng lực các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; tham gia đóng góp ngay từ đầu đối với các quy hoạch quốc gia liên quan đến cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, cơ sở y tế, văn hoá, thể thao, du lịch,…

Minh Khôi