Theo báo cáo sơ bộ của Thanh tra Bộ GTVT về việc kiểm tra công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của một số sở GTVT, sở GTVT-xây dựng các tỉnh, thành phố cho thấy, qua kiểm tra 40/63 sở GTVT, đoàn kiểm tra nhận thấy có tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, thực hiện của sở GTVT, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực.
Cụ thể là việc khai thác dữ liệu DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe được lắp trên ô tô để ghi, lưu trữ, xác thực và truyền nhận các thông tin bắt buộc liên quan trong quá trình dạy và thực hành lái xe) để quản lý công tác đào tạo còn hạn chế; chưa kiểm tra, giám sát khoá học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế; để cơ sở đào tạo gửi báo cáo qua phần mềm chậm nhiều ngày; xét duyệt thí sinh đạt điều kiện dự sát hạch khi chưa đối chiếu đầy đủ dữ liệu qua hệ thống DAT; có hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau, sát hạch viên trao đổi với thí sinh trong sát hạch lý thuyết…
Liên quan đến những hạn chế do thiết bị DAT, Báo Điện tử Chính phủ đã có trao đổi với ông Lương Duyên Thống, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái.
Ông Lương Duyên Thống cho biết, thiết bị DAT lắp trên xe tập lái được quy định tại Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ.
Dữ liệu DAT và dữ liệu quản lý DAT được truyền về máy chủ của cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý từ ngày 15/6/2022 theo quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 26/4/2022.
Việc sử dụng thiết bị DAT phục vụ công tác quản lý đào tạo lái xe là một trong những ứng dụng công nghệ thông tin được Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện trong thời gian, được dư luận, học viên, cơ sở đào tạo và các sở GTVT đánh giá cao.
Thông qua thiết bị và dữ liệu DAT, học viên học lái xe được học đủ thời gian và số km lái xe trên đường theo quy định, qua đó kỹ năng lái xe được nâng cao, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Cơ sở đào tạo lái xe kiểm soát được công tác giảng dạy phù hợp với kế hoạch đào tạo, quản lý được việc sử dụng phương tiện cũng như sử dụng giáo viên dạy lái xe, để chủ động trong kế hoạch bảo dưỡng phương tiện và bảo đảm các quy định về sử dụng lao động.
Mặt khác, cơ quan quản lý thông qua thiết bị giám sát có thể giảm bớt được công tác kiểm tra trực tiếp tại đơn vị, kiểm soát được tuyến đường đào tạo lái xe và xác định được các học viên đã hoàn thành đủ quãng đường và thời gian học thực hành lái xe trên đường, làm căn cứ để xét duyệt cho phép tham dự kỳ sát hạch để cấp giấy phép lái xe...
Tuy nhiên, sau khi ứng dụng thiết bị và qua quá trình thanh tra, kiểm tra, ông Thống cho rằng, bên cạnh những lợi ích mà thiết bị DAT mang đến, thì thiết bị này vẫn còn một số hạn chế, do việc ứng dụng thiết bị DAT để giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe là nội dung mới đối với các cơ sở đào tạo lái xe, cũng như cơ quan quản lý; thiết bị, phần mềm tiếp nhận, quản lý, phân tích và sử dụng dữ liệu lần đầu mới được nghiên cứu, áp dụng.
Thiết bị mới và hiện đại, nhưng trình độ công nghệ thông tin của cán bộ tại các cơ sở đào tạo lái xe còn không đồng đều. Số lượng và trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ở các sở GTVT còn hạn chế.
"Trên thực tế, thời gian đầu các cơ sở đào tạo khá lúng túng trong việc thực hiện các quy định về truyền dữ liệu DAT, cũng như hướng dẫn các giáo viên vận hành thiết bị DAT. Thiết bị DAT còn xảy ra hiện tượng hoạt động chưa ổn định, việc truyền dữ liệu DAT từ thiết bị lắp trên xe tập lái về máy chủ quản lý của cơ sở đào tạo, có lúc bị gián đoạn", ông Lương Duyên Thống cho hay.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến những hạn chế trong công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe vừa qua là do phần mềm tiếp nhận, phân tích dữ liệu quản lý DAT mới đưa vào hoạt động, chưa có tính năng tự động phân tích các dữ liệu để phát hiện các phiên học bị trùng xe tập lái, trùng học viên, trùng hành trình tại một thời điểm.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái của Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Cục Đường bộ đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan nâng cấp phần mềm tiếp nhận, phân tích dữ liệu quản lý DAT để có thể tự động phát hiện các phiên học có dấu hiệu bất thường, cảnh báo trên hệ thống để các sở GTVT kiểm tra, xác minh, xử lý vi phạm (nếu có).
"Trường hợp phát hiện có hiện tượng, dấu hiệu tác động vào dữ liệu, thiết bị DAT để gian lận trong dạy thực hành lái ô tô, chúng tôi sẽ chủ động chuyển thông tin cho cơ quan công an xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật", ông Lương Duyên Thống khẳng định.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra hoạt động đào tạo, sát hạch giấy phép xe, Bộ GTVT cho biết, trong quá trình kiểm tra, Bộ luôn quán triệt nguyên tắc "sai đến đâu, xử lý đến đó".
Đối với những trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu tiêu cực, các đoàn kiểm tra, hoặc Thanh tra Bộ gửi ngay thông tin đến cơ quan công an để xử lý. Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ, khách quan đúng quy định của pháp luật, các văn bản chuyển đều ban hành theo chế độ "mật".
Khi có kết quả xử lý, Bộ GTVT hoặc công an địa phương sẽ chủ động công bố thông tin.
Phan Trang