In bài viết

Nâng chất lượng thông tin tín dụng cải thiệu hiệu quả quản trị rủi ro

(Chinhphu.vn) - Ngày 25/8, tại Hà Nội, Tạp chí Ngân hàng, phối hợp với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro".

25/08/2023 17:47
Nâng chất lượng thông tin tín dụng cải thiệu hiệu quả quản trị rủi ro - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết: Trong quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng, thông tin tín dụng có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp tạo lập cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia để NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) trong hoạt động kinh doanh; hỗ trợ khách hàng vay tiếp cận nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu đời sống, kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật.

Tại Việt Nam hiện nay, hoạt động thông tin tín dụng của NHNN do Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) làm đầu mối tổ chức, thực hiện. Thời gian qua, hoạt động thông tin tín dụng của NHNN đã có bước phát triển nhanh, là một trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia.

CIC đã xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu TTTD khá lớn từ các nguồn dữ liệu trong và ngoài ngành. Qua đó, xây dựng, cung cấp các báo cáo tổng hợp, báo cáo phân tích định kỳ và đột xuất về hoạt động tín dụng phục vụ cho Ban Lãnh đạo và các đơn vị NHNN. 

Bên cạnh đó, CIC thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng cho các TCTD để phục vụ mục đích đánh giá, phê duyệt tín dụng, quản trị rủi ro, quản lý danh mục...

Nâng chất lượng thông tin tín dụng cải thiệu hiệu quả quản trị rủi ro - Ảnh 2.

Ông Cao Văn Bình, Tổng Giám đốc CIC

Trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang quyết liệt triển khai Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", nhiều TCTD đã và đang đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số, cho vay trên nền tảng công nghệ, việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia đầy đủ, chính xác trên nền tảng công nghệ hiện đại có ý nghĩa hết sức quan trọng. 

Để đạt được mục tiêu này, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động TTTD của NHNN, kiểm tra việc chấp hành các quy định về báo cáo TTTD của các TCTD, kiên quyết xử lý các TCTD báo cáo thông tin không đầy đủ, không chính xác. 

Đồng thời, yêu cầu các TCTD khai thác triệt để các sản phẩm dịch vụ TTTD phục vụ hoạt động kinh doanh, đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN về cấp tín dụng, quản trị rủi ro. 

Việc đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia tại Việt Nam, qua đó, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu của NHNN trong chỉ đạo, điều hành và nhu cầu của các TCTD trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro có tính cấp thiết về phương diện lý luận và thực tiễn.

Ông Cao Văn Bình, Tổng Giám đốc CIC cho biết trong năm 2022, số lượng báo cáo do CIC cung cấp cho các TCTD tăng trưởng vượt bậc với hơn 77,7 triệu báo cáo, tăng hơn 55% so với cùng kì năm 2021. Nguồn thông tin tín dụng nhanh chóng, tin cậy đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh của các TCTD, đặc biệt là trong thời đại ngân hàng số hiện nay.

Nâng chất lượng thông tin tín dụng cải thiệu hiệu quả quản trị rủi ro - Ảnh 3.

Hội thảo khoa học với chủ đề: "Nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro"- Ảnh: VGP

Số liệu được, tính đến tháng 8/2023, số lượng hồ sơ lưu trữ trên CIC đạt trên 55,3 triệu khách hàng (tăng 6,6% so với cùng kỳ 2022, chiếm 65% tổng dân số trưởng thành). Tăng trưởng cung cấp thông tin của CIC luôn đạt mức từ 15-20% mỗi năm, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt 31 triệu báo cáo các loại.

"Nguồn thông tin tín dụng nhanh chóng, tin cậy đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh của các TCTD, đặc biệt là trong thời đại ngân hàng số hiện nay", ông Cao Văn Bình nói.

Ông Cao Văn Bình cho rằng, việc mở rộng nguồn thông tin để phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia sẽ là một trong những giải pháp quan trọng phát triển CIC đến năm 2025, định hướng đến 2030. Qua đó sẽ nâng tổng số chủ thể dữ liệu lên 55 triệu, với độ phủ đạt >70% dân số trưởng thành và tỷ lệ xử lý, cập nhật thông tin tự động đạt >90%.

Nhằm nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, đại diện CIC đã chia sẻ nội dung chính của dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 03/2013/TT-NHNN của NHNN, trong đó đã làm rõ những điểm mới, ưu việt so với Thông tư số 03; đồng thời, đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, như ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong hoạt động thu thập, xử lí, bảo mật và lưu trữ dữ liệu; tiếp tục đối soát, làm sạch dữ liệu về khách hàng cá nhân; nỗ lực kết nối với tổ chức ngoài ngành Ngân hàng để mở rộng và nâng cao cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia.

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, bà Đinh Thị Thái, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank khẳng định, hoạt động thông tin tín dụng là hoạt động rất quan trọng của ngân hàng thương mại.

"Hoạt động thông tin tín dụng hỗ trợ rất nhiều cho ngân hàng, giúp Ban lãnh đạo, các bộ phận… khai thác thông tin một cách hiệu quả, góp phần nâng cao công tác thẩm định chất lượng tín dụng của khách hàng", bà Đinh Thị Thái chia sẻ.

Để nâng cao chất lượng, bà Đinh Thị Thái nhấn mạnh đến sự cần thiết các nguồn dữ liệu ngoài nguồn của CIC. Dẫn chứng từ thế giới, bà Đinh Thị Thái cho biết, các trung tâm thông tin tín dụng tại một số nước trên thế giới sẽ thu thập thông tin từ các nguồn cung cấp (ngân hàng, công ty tài chính, các nhà bán lẻ, công ty thẻ tín dụng (Visa, Master,...), các nhà cung cấp dịch vụ) và các nguồn công cộng khác (tòa án, cơ quan công quyền, cơ quan đăng ký thuế,...) và tổng hợp các thông tin trên của khách hàng có dán nhãn đề tên, địa chỉ, ngày sinh và/hoặc mã định danh cá nhân.

Trên cơ sở đó, các nguồn thông tin được chia thành một số nhóm như: Thông tin pháp lý, Thông tin chia sẻ từ các tổ chức cho vay, thông tin xếp hạng tín dụng, thông tin định danh, thông tin nghề nghiệp và thông tin thu nhập.

Còn ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng giám đốc TPBank đánh giá hệ thống H2H của CIC có ưu điểm về thời gian xử lý yêu cầu, tích hợp nhiều sản phẩm trên một hệ thống, mang lại trải nghiệm tốt cho người sử dụng.

Nội dung thông tin trong các sản phẩm của CIC khá chi tiết và đầy đủ, là nguồn dữ liệu quan trọng được sử dụng trong các quy trình nghiệp vụ trọng yếu và các mô hình hỗ trợ ra quyết định được triển khai tại ngân hàng.

Thực tế là, trong 3 năm gần đây, số lượng bản ghi tra cứu CIC của TPBank liên tục tăng trưởng: năm 2021 tăng 39%, năm 2022 tăng 93%. Trong năm 2023, mặc dù trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn chung của toàn thị trường nhưng TPBank vẫn dự đoán nhu cầu tra cứu CIC của Ngân hàng cũng sẽ tăng trưởng trên 30%.

Tại TPBank, nguồn dữ liệu thông tin tín dụng đã được sử dụng để thẩm định, phê duyệt, cấp tín dụng, theo dõi, đánh giá khách hàng, cũng như thiết lập hệ thống cảnh báo sớm để phục vụ hoạt động của ngân hàng.

Đại diện TPBank đề nghị, CIC cần đánh giá phương án phối hợp với Bộ Công an để triển khai tích hợp dữ liệu thẻ điểm dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó hợp nhất kết quả với các sản phẩm báo cáo tín dụng của CIC và có thêm thông tin pháp lý của khách hàng; nghiên cứu, xây dựng bộ quy tắc dữ liệu chuẩn để áp dụng cho các tổ chức tín dụng khi gửi dữ liệu tới CIC và công bố các kết quả đo lường theo các tiêu chí về chất lượng dữ liệu đang cung cấp tới các TCTD để TCTD có cơ sở đánh giá khả năng và sử dụng dữ liệu CIC trong các yêu cầu, nghiệp vụ cụ thể; nghiên cứu cơ chế bảo mật thông tin của khách hàng để bảo đảm theo yêu cầu của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhận…

Dưới góc nhìn quốc tế, đại diện Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đưa ra các kinh nghiệm quốc tế về việc xây dựng, phát triển ngành dữ liệu và phân tích dữ liệu phục vụ cho kinh tế số. 

Đáng chú ý, IFC đã đề xuất một số cách thức để phát triển ngành dữ liệu và phân tích dữ liệu tại Việt Nam; các khuyến nghị liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu, thiết lập thị trường về dữ liệu và phân tích dữ liệu.

Các diễn giả đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia như: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lí về cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia; xây dựng và hoàn thiện hệ thống sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các TCTD trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro; nâng cao năng lực khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu thông tin tín dụng, thông tin khách hàng vay vốn từ các TCTD cung cấp cũng như kho dữ liệu; phát triển hạ tầng dữ liệu và phân tích dữ liệu nhằm hỗ trợ nền kinh tế số và tài chính số tại Việt Nam...

Anh Minh