In bài viết

Nâng hạn mức chỉ định thầu từ 100 triệu lên 300 triệu đồng với gói thầu mua sắm

(Chinhphu.vn) - Chiều 29/11, với 444/446 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,69% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

29/11/2024 17:46
Nâng hạn mức chỉ định thầu từ 100 triệu lên 300 triệu đồng với gói thầu mua sắm- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình

Trước khi biểu quyết thông qua luật, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 119 điều, khoản và 3 Phụ lục của 4 Luật; bổ sung 01 điều mới và bỏ 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, bảo đảm linh hoạt trong điều hành, dự thảo Luật chỉnh lý Điều 29 theo hướng quy định nguyên tắc áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu triển khai các dự án đặc thù, không thể thực hiện qua đấu thầu thông thường, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 34a quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này nhằm bảo đảm linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý nâng hạn mức chỉ định thầu từ 100 triệu lên 300 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm không hình thành dự án, đồng thời không phân biệt hạn mức chỉ định thầu giữa các gói thầu sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên và vốn đầu tư công; bổ sung trường hợp chỉ định thầu đối với gói thầu khai quật khảo cổ, phục hồi di tích cấp quốc gia, di tích cấp quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa thế giới.

Sửa đổi quy định bảo đảm cạnh tranh giữa nhà thầu tham dự thầu và nhà thầu tư vấn trong cùng gói thầu đối với các gói thầu thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ, công ty con; áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ cho các gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao, công nghệ cao; cho phép cơ sở y tế công lập tự quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế và vaccine dịch vụ…

Nâng hạn mức chỉ định thầu từ 100 triệu lên 300 triệu đồng với gói thầu mua sắm- Ảnh 2.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thủ tục đầu tư đặc biệt là chính sách mới nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như đổi mới sáng tạo và công nghệ cao. 

Theo tinh thần đổi mới xây dựng pháp luật, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giản lược các nội dung chi tiết về hồ sơ, thủ tục, chỉ giữ lại các nguyên tắc và nội dung đặc thù cần thiết, bảo đảm không thay đổi các nguyên tắc tại dự thảo Luật đã trình Quốc hội.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung Khu công nghệ thông tin tập trung và Khu thương mại tự do vào địa bàn được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt tại khoản 1 Điều 36a, góp phần đồng bộ chính sách, tạo nền tảng thuận lợi cho thu hút đầu tư và phát triển các khu vực này. Để bảo đảm khả thi và linh hoạt trong điều hành, giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này, trong đó có nội dung về sự phù hợp của dự án với quy hoạch có liên quan.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là quy định mới, bổ sung so với Luật hiện hành, mang tính thí điểm, chưa ổn định.

Bám sát tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định về nguyên tắc, căn cứ, thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, để giải quyết khó khăn trong thực hiện các dự án khẩn cấp, nhiệm vụ cấp bách làm thay đổi một số nội dung của quy hoạch, trong đó có lĩnh vực điện lực và tài nguyên, môi trường, dự thảo Luật đã được chỉnh lý: Bổ sung quy định về căn cứ điều chỉnh quy hoạch theo trình tự rút gọn cho các dự án khẩn cấp, cấp bách theo quy định của Chính phủ; phân cấp Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn; bổ sung nội dung phân cấp cho Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia để bảo đảm sự linh hoạt trong tổ chức thực hiện quy hoạch...

Hoàng Giang