In bài viết

Nâng hiệu quả vốn FDI hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2018

(Chinhphu.vn) - Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 3 tháng ước tính đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017. Một số địa phương có các doanh nghiệp FDI chủ lực cũng đã xây dựng kịch bản tăng trưởng của riêng mình, bám sát vào kịch bản tăng trưởng quốc gia.

31/03/2018 20:48

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/3 ước thu hút 618 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt hơn 2,12 tỷ USD, tăng 25,4% về số dự án và giảm 27,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Những doanh nghiệp FDI có đóng góp tích cực thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh đó, có 199 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt hơn 1,78 tỷ USD, giảm 54,6% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 3 tháng đạt hơn 3,91 tỷ USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2017.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 3 tháng ước tính đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 3 tháng năm 2018 còn có 1.285 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp là hơn 1,89 tỷ USD, tăng 121,6% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 732 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,34 tỷ USD và 553 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 547,8 triệu USD.

Trong quý I, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đi tiên phong trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt  hơn 1,29 tỷ USD, chiếm 61,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 253,8 triệu USD, chiếm 12%; các ngành còn lại đạt 571,5 triệu USD, chiếm 26,9%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 3 tháng năm nay đạt hơn 2,95 tỷ USD, chiếm 75,5% tổng vốn đăng ký; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 275,1 triệu USD, chiếm 7%; các ngành còn lại đạt 683,8 triệu USD, chiếm 17,5%.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 491,4 triệu USD, chiếm 26% tổng giá trị góp vốn; ngành xây dựng đạt 340,8 triệu USD, chiếm 18%; các ngành còn lại đạt hơn 1,05 tỷ USD, chiếm 56%.

Trong các địa phương, TPHCM có số vốn đăng ký lớn nhất với 340 triệu USD, chiếm 16% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bình Dương 298,5 triệu USD, chiếm 14,1%; Ninh Thuận 253,9 triệu USD, chiếm 12%; Hà Nam 179,5 triệu USD, chiếm 8,5%...

Trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong quý I, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 493 triệu USD, chiếm 23,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore 421,7 triệu USD, chiếm 19,9%; Nhật Bản 265,6 triệu USD, chiếm 12,5%; Trung Quốc 205,8 triệu USD, chiếm 9,7%; Hà Lan 136,6 triệu USD, chiếm 6,4%...

Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong quý I/2018, cả nước có 23 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 123,6 triệu USD, bên cạnh đó có 5 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 25,9 triệu USD.

Tính chung vốn cấp mới và tăng thêm, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài trong quý I năm nay đạt 149,5 triệu USD, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105 triệu USD, chiếm 70,2% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19,9 triệu USD, chiếm 13,3%; lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 12 triệu USD, chiếm 8%; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đạt 8,5 triệu USD, chiếm 5,7%.

Trong quý I/2018 có 16 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, dẫn đầu là Lào chiếm 53,5% tổng vốn đầu tư; Campuchia chiếm 17,3%; Cuba chiếm 13,3%; Australia chiếm 8%.

Tại Hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018 vừa diễn ra sáng nay 30/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng chi tiết đến từng quý để làm cơ sở điều hành các giải pháp tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, kịch bản 1 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng tương ứng với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức cao (6,7%) theo Nghị quyết của Quốc hội và mục tiêu phấn đấu của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018.

Để đạt được mức tăng trưởng này, quý I tăng trưởng GDP cần đạt 7,38%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,05%%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 9,7% và khu vực dịch vụ đạt 6,7%. 

Ở kịch bản thứ 2, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 được đưa ra ở mức 6,8%. Ở kịch bản này, trong các quý còn lại, kịch bản thay đổi mức tăng trưởng của ngành công nghiệp và xây dựng, trong đó phần tăng thêm chủ yếu là ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong trường hợp không có biến động tiêu cực lớn xảy ra, bối cảnh trong nước và quốc tế thuận lợi, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khởi sắc, đăng ký doanh nghiệp tăng mạnh và đưa vào hoạt động được các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo lớn vào hoạt động thì mức độ đóng góp của ngành này trong tăng trưởng chung GDP của cả nước sẽ được cải thiện vượt bậc.

Như vậy, hoạt động đầu tư trực trực tiếp nước ngoài sẽ có tác động khá quan trọng tới các kịch bản tăng trưởng kinh tế.

Một số địa phương có các doanh nghiệp FDI chủ lực cũng đã xây dựng kịch bản tăng trưởng của riêng mình, bám sát vào kịch bản tăng trưởng quốc gia.

Ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, bám sát kịch bản tăng trưởng quốc gia, Bắc Ninh, địa phương đặt các nhà máy sản xuất của các doanh nghiệp FDI lớn của Samsung, Canon… cũng xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng.

Trong đó, kịch bản tăng trưởng 1- tăng thấp (khoảng hơn 10,5%), tỉnh đánh giá khu vực DN FDI sẽ duy trì mức sản xuất bằng 70-80% của quý IV/2017 và khu vực trong nước đạt mức tăng ổn định từ 5-7% so với năm trước, nên xây dựng mức tăng trưởng quý I là 17,4% (do quý I/2017 tăng trưởng âm); quý II tăng 12,3% (do cuối tháng 3/2017 có sản phẩm mới tung ra thị trường); quý III tăng thấp hơn (hơn 10,2%), do từ tháng 8 đã bắt đầu vận hành nhà máy mới và quý IV tăng thấp nhất (hơn 4,5%), do quý IV sản xuất của khu vực FDI đã đạt đỉnh  năm ngoái (khá phù hợp với kết quả quý 1)

Kịch bản 2 là tăng trưởng cao (khoảng hơn 11,5%). Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đánh giá, sản xuất của khu vực FDI đã đạt mức từ 80-90% của quý IV/2017 và xu hướng của 4 quý với mức tăng trưởng tương ứng là: quý I (hơn 18,9%); quý II (hơn 13,3%); quý III (hơn 11,3%) và quý IV (hơn 5,0%).

Theo ông Nguyễn Tử Quỳnh, Bắc Ninh trong những năm gần đây tăng trưởng rất mạnh và hiện có quy mô kinh tế khá lớn, do đó duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh không đơn giản (do tăng thêm 1% sẽ khó khăn hơn). Tuy nhiên, kịch bản tăng trưởng của Bắc Ninh đã bám sát với thực tế và tương đối chặt chẽ. “Nếu nhóm sản phẩm màn hình tinh thể lỏng dùng cho điện thoại, tivi của Samsung Display sẽ duy trì và phát triển tốt với sản lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục cao như ở trong quý IV/2017 và nhóm sản phẩm điện thoại không có sự cố bất ngờ (như Samsung Galaxy Note7 cuối năm 2016), thì khi đó tăng trưởng kinh tế cả năm 2018 của tỉnh Bắc Ninh được dự báo sẽ còn tăng cao hơn, có thể tăng trên 12%”,  lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh nói.

Huy Thắng