Chốt ngày, chỉ số giá của 3/4 nhóm mặt hàng đều tăng, kéo chỉ số MXV-Index thêm 0,66% lên 2.117 điểm. Riêng chỉ số giá nhóm kim loại đảo chiều giảm sau chuỗi tăng 3 ngày liên tiếp. Dòng tiền đến thị trường gia tăng phản ánh tâm lý tích cực của các nhà đầu tư. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 5.200 tỷ đồng, cao hơn 12% so với hôm trước. Đáng chú ý, nhóm hàng năng lượng tiếp tục cho thấy sức hấp dẫn khi giá trị giao dịch tăng đáng kể, hơn 40%.
Theo MXV, kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 26/2, giá dầu phục hồi trong bối cảnh nguồn cung còn đối diện với nhiều rủi ro gián đoạn, chủ yếu do các vấn đề về địa chính trị. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 1,43% lên 77,58 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,08% lên 81,67 USD/thùng.
Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên tập đoàn tàu chở dầu hàng đầu của Nga Sovcomflot, khi Washington tìm cách giảm doanh thu từ việc bán dầu của Nga, vốn phục vụ mục đích quân sự. Nga là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới và các lệnh trừng phạt này là nỗ lực mới nhất của phương Tây nhằm tăng thêm chi phí vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu, trong khi vẫn duy trì dòng xăng dầu đến thị trường toàn cầu.
Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) cũng chỉ định 14 tàu chở dầu thô thuộc tài sản mà Sovcomflot có liên quan. Theo đó, Mỹ sẽ đóng băng bất kỳ tài sản nào của nếu phát hiện có giao dịch với các đối tượng bị áp lệnh trừng phạt trên. Điều này làm gia tăng rủi ro gián đoạn nguồn cung thị trường, nhất là khi tình hình Biển Đỏ chưa ổn định, từ đó hỗ trợ cho giá dầu.
Sự sụt giảm trong hoạt động lọc dầu của Mỹ và sự gián đoạn thương mại tại Biển Đỏ đã thắt chặt nguồn cung dầu diesel trong những tuần gần đây, làm giảm xuất khẩu dầu diesel của Mỹ sang châu Âu trong tháng này.
Giá dầu diesel của Mỹ đã nhanh chóng tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng với hơn 48 USD/thùng, làm hạn chế cơ hội kinh doanh chênh lệch giá để vận chuyển nhiên liệu sang châu Âu.
Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cho biết phiến quân Houthi liên kết với Iran ở Yemen đã suýt đánh trúng một tàu chở dầu mang cờ Mỹ vào 24/2. Những hạn chế tại khu vực Biển Đỏ tiếp tục đe dọa nguồn cung dầu, góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Ngân hàng Goldman Sachs cũng đã nâng mức dự báo giá dầu Brent đạt đỉnh vào mùa Hè năm 2024 thêm 2 USD/thùng lên 87 USD/thùng do các gián đoạn hiện nay góp phần làm tồn kho thương mại của các nước OECD giảm nhẹ. Ngân hàng cũng kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng vào đầu tháng 3 để giữ cho thị trường ở mức thâm hụt vừa phải. Mức thâm hụt mà ngân hàng ước tính là 0,5 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên và 0,4 triệu thùng/ngày trong quý II năm nay.
Khép lại phiên giao dịch đầu tuần, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, cả 2 mặt hàng đều đóng cửa trong sắc đỏ do áp lực vĩ mô chèn ép. Giá bạc để mất 1,96%, dừng chân tại mức 22,74 USD/ounce. Giá bạch kim chốt phiên tại 881,1 USD/ounce sau khi giảm 3,13%.
Lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao lâu hơn so với kỳ vọng trước vẫn là yếu tố chính gây sức ép lên nhóm kim loại quý, mặt hàng nhạy cảm với lãi suất và biến động tiền tệ.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nối tiếp đà giảm từ phiên cuối tuần trước, chốt phiên tại mức 3,83 USD/pound sau khi giảm 1,69%. Giá quặng sắt cũng để mất 3,84% về 115,43 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10/2023. Cả giá đồng và giá quặng sắt đều gặp áp lực trước triển vọng tiêu thụ kém sắc tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu.