In bài viết

Nâng tốc độ tối đa 9 tuyến đường cao tốc 4 làn xe trước Tết Nguyên đán

(Chinhphu.vn) - Thay vì tốc độ tối đa 80km/h hiện nay, các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư 4 làn xe được Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị nâng tốc độ tối đa 90km/h.

03/01/2024 12:08
Nâng tốc độ tối đa 9 tuyến đường cao tốc 4 làn xe trước Tết Nguyên đán
- Ảnh 1.

Cắm biển tốc độ tối đa cho phép đối với 9 dự án đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới. Ảnh: Báo GT

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT tổ chức cắm biển tốc độ tối đa cho phép đối với 9 dự án đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới.

9 dự án cắm biển tốc độ tối đa 90km/h

Các đoạn tuyến được đề nghị cắm biển tốc độ tối đa 90km/h gồm: Lào Cai - cửa khẩu Kim Thành, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Đơn vị này cho hay, hiện nay, cả nước có tổng số khoảng 1.892km đường ô tô cao tốc đã được đưa vào khai thác sử dụng. Một số tuyến đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư với 4 làn xe được cắm biển tốc độ tối đa cho phép là 90km/h như: Đoạn Tuyên Quang - Phú Thọ, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Cục Đường bộ hiện đang quản lý bảo trì 1 đoạn tuyến đường cao tốc phân kỳ đầu tư là đoạn Lào Cai - Kim Thành, các đoạn tuyến đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư khác do các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ GTVT quản lý, chưa bàn giao cho cơ quan quản lý đường cao tốc.

Triển khai cắm biển ngay trong tháng 1

Đối với các đoạn tuyến đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư xây dựng với 4 làn xe cơ giới đáp ứng điều kiện khai thác với tốc độ tối đa cho phép 90km/h, Cục Đường bộ kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo tổ chức cắm biển tốc độ tối đa cho phép 90km/h đối với xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt), ô tô tải có trọng tải dưới 3,5 tấn, các phương tiện còn lại giữ nguyên tốc độ tối đa cho phép 80km/h. Việc cắm biển trong tháng 1/2024.

Trong quá trình khai thác, sử dụng, yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị quản lý khai thác tiếp tục theo dõi về tổ chức giao thông, tình hình an toàn giao thông trên tuyến để kịp thời phát hiện các tồn tại, bất cập, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tốc độ khai thác, phương án tổ chức giao thông cho phù hợp nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.

Trước đó, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam, Đường cao tốc Việt Nam, Quản lý đầu tư xây dựng và các Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận, 2, 6, 7, 85, Thăng Long rà soát đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới để có thể khai thác với vận tốc 90km/h theo TCCS42:2022.

Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các đơn vị rà soát các yếu tố kỹ thuật có liên quan của công trình đường bộ cao tốc phân kỳ đầu tư đang khai thác hoặc đang chuẩn bị thực hiện đầu tư có 4 làn xe cơ giới để đánh giá tính phù hợp và quyết định việc nâng tốc độ khai thác lên 90km/h.

Cục Đường cao tốc cho hay, theo hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế có hai loại tốc độ là tốc độ thiết kế và tốc độ khai thác.

Tốc độ thiết kế được xác định, lựa chọn trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường và là giá trị không đổi trong suốt quá trình xây dựng và khai thác của dự án.

Tốc độ khai thác được xác định, lựa chọn trong quá trình tổ chức vận hành, khai thác các tuyến đường và được thường xuyên đánh giá để điều chỉnh, lựa chọn phù hợp với từng giai đoạn khai thác.

Các tuyến quốc lộ hiện hữu có điều kiện tương đồng với các tuyến cao tốc đầu tư phân kỳ xây dựng 4 làn xe hạn chế cũng cho phép tốc độ tối đa 90km/h đối với một số loại phương tiện. Một số tiêu chuẩn quốc gia cho phép sử dụng bề rộng làn xe 3,5m với tốc độ thiết kế 100km/h.

"Việc nghiên cứu, xem xét nâng cao tốc độ tối đa cho phép trong quá trình khai thác các tuyến đường cao tốc trong giai đoạn phân kỳ 4 làn xe hạn chế, ngắt quãng dải dừng xe khẩn cấp từ tốc độ tối đa cho phép 80km/h lên tốc độ đa cho phép 90-100km/h là có cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn", Cục Đường cao tốc cho biết.

Phan Trang