Căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Đức xuất phát từ việc nhà chức trách của Đức đã hủy một loạt cuộc mít tinh lớn của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức (có sự tham gia của một số quan chức cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ) khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ muốn tranh thủ sự ủng hộ của cử tri ở nước ngoài về kế hoạch cải cách hiến pháp của mình.
Cùng với đó, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan cũng đã xấu đi sau khi Hà Lan ngăn cản các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới phát biểu trong các cuộc mít tinh nhằm kêu gọi người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống tại Hà Lan ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 16/4 tới.
Mặc dù đã cam kết nỗ lực cải thiện quan hệ song phương nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Đức vẫn chỉ trích lẫn nhau. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỹ Tayyip Erdogan chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel “ủng hộ chủ nghĩa khủng bố” kể sau cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2016. Theo đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Chính phủ Đức không có bất cứ hồi đáp nào về 4.500 tài liệu liên quan đến các nghi can khủng bố mà họ gửi tới.
Trước đó, hồi tháng 2/2017, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt giữ phóng viên Deniz Yucel, người làm việc cho tờ báo Die Welt (Thế giới) với cáo buộc "tuyên truyền khủng bố và kích động hận thù".
Về phía mình, ngày 13/3, Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert khẳng định những chỉ trích của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là "hoàn toàn vô lý".
Còn với Hà Lan, sau việc một số bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ (trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao) bị ngăn cản tới Rotterdam để phát biểu trong các cuộc mít tinh (ngày 11 và 12/3), Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố dừng quan hệ ngoại giao cấp cao với Hà Lan và đe dọa áp đặt trừng phạt Hà Lan cũng như đưa vụ việc ra Tòa án Nhân quyền châu Âu.
Trong khi đó, ngày 13/3, Hà Lan đã đưa ra cảnh báo đi lại mới đối với các công dân nước mình ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khuyến cáo họ thận trọng trong bối cảnh hiện nay.
Trước những diễn biến trong quan hệ của 3 nước nói trên, ngày 13/3 tại Brussels (Bỉ), Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hối thúc các đồng minh NATO cần tôn trọng lẫn nhau, bình tĩnh và có hướng tiếp cận thận trọng nhằm góp phần xoa dịu căng thẳng, tránh xung đột.
Cùng ngày, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini và Cao ủy EU Johannes Hahn ra tuyên bố kêu gọi các nước liên quan tránh làm tình hình leo thang căng thẳng và tìm cách giải quyết vấn đề.
Theo EU, Đức và Hà Lan có quyền quyết định việc cho phép hoặc không cho phép các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ vào nước mình để thuyết phục kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp theo đề xuất của Tổng thống Tayyip Erdogan.
Thanh Xuân (tổng hợp)