Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí JGR Solid Earth, tình trạng mặt đất bị sụt lún cũng đang làm ô nhiễm nguồn nước dưới lòng đất và ảnh hưởng đến chất lượng nước. Theo đó, khoảng 70% lượng nước uống của Mexico City được khai thác từ các giếng nước ngầm, do đó, bất kỳ sự ô nhiễm nước ngầm nào cũng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của một số lượng lớn người dân ở đây.
Siêu đô thị đông dân nhất Bắc Mỹ đang sụt lún ở tốc độ hàng chục cm mỗi năm và hầu như không có biện pháp khắc phục.
Ở phần Đông Bắc của Thành phố, khu vực vẫn chưa trải qua đô thị hóa, các nhà nghiên cứu nhận thấy mặt đất sụt lún ở tốc độ 50 cm một năm. Ngay cả khu mực nước nâng lên, phần lớn độ cao và khả năng lưu trữ của tầng ngậm nước không thể phục hồi. Khối lượng gia tăng liên tục của Thành phố đang mở rộng và hoạt động khai thác nước ngầm khiến sụt lún trở thành quá trình không thể tránh khỏi. Điều đặc biệt đáng lo ngại là quá trình này xảy ra cả ở những khu vực chưa đô thị hóa.
Nhóm nghiên cứu lần đầu tiên nhận thấy siêu đô thị đông dân nhất Bắc Mỹ đang sụt vào đầu thế kỷ 20, ở tốc độ khoảng 8 cm một năm. Năm 1958, con số tăng lên 29 cm một năm, dẫn tới quyết định hạn chế lượng nước lấy từ các giếng ở trung tâm thành phố. Sau đó, tốc độ sụt lún giảm xuống dưới 9 cm một năm, nhưng trong hai thập kỷ qua, dữ liệu độ phân giải cao hé lộ tốc độ đều đặn lên tới 40 cm một năm ở khu vực trung tâm lâu đời của Thành phố.
Sử dụng dữ liệu hiện đại, nhóm nghiên cứu hiện nay ước tính các phiến đất sét bên dưới Mexico City có thể nén chặt 30%. Dù điều đó chỉ xảy ra sau 150 năm tới, con người hầu như không thể làm gì để ngăn chặn. Ngày nay, đất sét ở tầng trên đã nén chặt 17%. Tất nhiên, không phải mọi khu vực của Thành phố đều sụt lún ở cùng tốc độ. Một số khu vực đã sụt xuống thấp hơn trầm tích hồ ban đầu, trong khi các khu vực khác vẫn ở cao hơn. Dù thiếu đồng nhất ở mọi nơi, quá trình sụt lún sẽ dẫn tới nguy cơ rạn nứt bề mặt nghiêm trọng, phá hủy cơ sở hạ tầng và làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước.
An Bình