![]() |
Ông Nguyễn Minh Toại phát biểu tại buổi làm việc. |
Ông Toại kể, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân rất khó khăn. Doanh nghiệp muốn có 100 héc ta, cần liên kết với 100 nông dân. Chuyện đâu dễ. Mỗi ông nông dân lại có một bà vợ. Vậy là mỗi héc ta có hai người chủ. 100 héc ta có 200 người có quyền quyết định. Mà những quyết định này lại rất cảm tính. Do đó, việc liên kết để có được cánh đồng mẫu lớn là chuyện khó khăn chứ chưa kể đến yếu tố đồng đều về chất lượng mùa vụ.
"Có cánh đồng rồi, mối quan hệ này cũng rất dễ đổ vỡ mà theo kinh nghiệm quan sát tại nhiều địa phương, tôi nhận thấy cò đang là một nguyên nhân lớn", ông Toại phát biểu. Cò trong câu chuyện của ông Toại là những người ở địa phương, chuyên môi giới bán thuốc, phân, giới thiệu máy gặt... cho nông dân.
Cách họ làm là chọn 4 - 5 héc ta có mùa vụ tốt trong một cánh đồng lớn, mua lúa giá với giá cao hơn 1.000 - 2.000 đồng/kg so với giá nông dân ký hợp đồng với doanh nghiệp. Đổi lại, đến vụ gặt, nông dân sẽ sử dụng dịch vụ máy gặt do cò giới thiệu. Với giá nhỉn hơn, nông dân, thay vì bán lúa cho doanh nghiệp, chuyển sang bán lúa cho cò. Những nông dân còn lại nhìn vào đó để đặt vấn đề với doanh nghiệp. Doanh nghiệp không giải quyết được vấn đề này, vậy là mối quan hệ trong cánh đồng mẫu lớn bị đổ vỡ.
Tình trạng cò rất phức tạp, và họ có những ảnh hưởng ngầm đến nông dân, thậm chí cán bộ thôn, xã tại địa phương, ông Toại chia sẻ.
Dĩ nhiên trong liên kết cánh đồng mẫu lớn, sự đổ vỡ, theo bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp, một phần cũng đến doanh nghiệp khi họ không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Để giải quyết những khó khăn trên, tiến sĩ kinh tế Vũ Thành Tự Anh gợi ý các tỉnh ĐBSCL nên xin cơ chế làm thí điểm tích tụ ruộng đất. Nếu không có thí điểm thì không tổng kết được, không tổng kết được thì không có cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo.
"Trong bối cảnh nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, Thủ tưởng Chính phủ và các cơ quan Nhà nước đang cân nhắc các vấn đề ruộng đất trong nông nghiệp, các tỉnh nên chủ động đưa ra đề xuất của mình", tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh phát biểu.
Đồng tình với quan điểm của tiến sĩ Tự Anh, ông Bùi Quang Vinh - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng các địa phương cần chủ động và có tiếng nói mạnh. "Có tích tụ ruộng đất, mà một trong những biện pháp là cho phép cơ chế mua bán đất thoải mái, thì doanh nghiệp mới có động lực vào. Chỉ có doanh nghiệp vào thì mới có cánh đồng mẫu lớn", ông Vinh nói.
Đức Tâm
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn