In bài viết

Nêu bật vai trò, chức năng giám sát và phản biện của MTTQ

(Chinhphu.vn) – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xây dựng dự thảo Báo cáo chung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nêu bật vai trò giám sát, phản biện của MTTQ trong thời gian qua; đánh giá nhận thức của các cơ quan đối với giám sát, phản biện xã hội trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

16/08/2023 11:37
Nêu bật vai trò, chức năng giám sát và phản biện của MTTQ - Ảnh 1.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 tại phiên họp thứ 25 - Ảnh: VGP/ĐH

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sáng 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nhận thức về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được nâng lên

Trình bày dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, thông qua quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, nhận thức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được nâng lên, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị.

Các cấp uỷ đảng, chính quyền đã nhận thức đầy đủ, rõ ràng hơn về vị trí, vai trò giám sát, phản biện của MTTQ trong hệ thống chính trị; nhận thức rõ về tính chất giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam đó là: Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đảng của nhân dân; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý vi phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đảng của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và cho tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao; vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.

Trong triển khai thực hiện các chương trình giám sát hằng năm của MTTQ Việt Nam và các chương trình phối hợp giám sát với các cơ quan Nhà nước, tổ chức thành viên Mặt trận thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, hỗ trợ tích cực và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ, ngành và chính quyền các cấp ở nhiều địa phương.

Các cơ quan truyền thông tích cực phối hợp thông tin, tuyên truyền cho các hoạt động giám sát của MTTQ các cấp. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp nhiều nơi đã quan tâm xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, quan tâm xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Thông qua giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân ngày càng được thể hiện rõ nét, được các cấp ủy Đảng, cơ quan Nhà nước, các cấp, ngành và nhân dân đánh giá cao.

Nêu bật vai trò, chức năng giám sát và phản biện của MTTQ - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trình bày dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết - Ảnh: VGP/ĐH

Nhiều bài học kinh nghiệm quý được rút ra

Từ thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết, nhiều bài học kinh nghiệm quý đã được rút ra. Cụ thể, cấp uỷ, chính quyền, Uỷ ban MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp cần có nhận thức đầy đủ, đúng đắn ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội và các hình thức giám sát, phản biện xã hội theo quy định tại Nghị quyết.

Thường xuyên kết hợp việc thực hiện Nghị quyết với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời coi trọng tính chủ động của MTTQ, phát huy có hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền với Uỷ ban MTTQ, các tổ chức thành viên trên các lĩnh vực.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nghị quyết liên tịch số 403 nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa và quy trình thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

Phát huy vai trò chủ động, chủ trì của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp trong hiệp thương, xây dựng kế hoạch, kết hợp linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức giám sát, phản biện xã hội phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu của nội dung giám sát, phản biện xã hội. Lựa chọn mời thành viên tham gia đoàn giám sát, phản biện xã hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực được giám sát. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình giám sát, phản biện xã hội.

Cấp uỷ các cấp thường xuyên quan tâm và làm tốt công tác lãnh đạo đạo, chăm lo, xây dựng tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ MTTQ, nhất là cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội. Chính quyền cần bảo đảm các điều kiện cần thiết cho MTTQ thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội có hiệu quả thiết thực.

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội phải được tiến hành theo đúng quy trình của Nghị quyết liên tịch số 403, phù hợp với khả năng của Mặt trận; đồng thời phát huy vai trò các Hội đồng tư vấn, tranh thủ ý kiến những người có uy tín, kinh nghiệm trong công tác giám sát, phản biện xã hội... Không ngừng củng cố tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng đa dạng hoá, mở rộng các hình thức tập hợp, xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận để đáp ứng yêu cầu giám sát, phản biện xã hội trong tình hình mới.

Nêu bật vai trò giám sát, phản biện của MTTQ

Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong việc sơ kết, chuẩn bị báo cáo; cho rằng, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 đã góp phần nâng cao nhận thức các cấp ủy đảng, chính quyền về vị trí, vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ. 

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Báo cáo cần làm nổi bật được việc giám sát và phản biện xã hội của MTTQ là một hoạt động cơ bản và là một nhiệm vụ quan trọng của MTTQ, các tổ chức thành viên trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị. Đồng thời, giám sát, phản biện xã hội là một hoạt động mang tính nhân dân, tính dân chủ, tính xây dựng và tính khoa học.

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xây dựng dự thảo Báo cáo chung của 3 cơ quan, nêu bật vai trò giám sát, phản biện của MTTQ trong thời gian qua; đánh giá nhận thức của các cơ quan đối với giám sát, phản biện xã hội trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Đồng thời, tiếp tục gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ bằng văn bản trước khi ký ban hành.

Nguyễn Hoàng