Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người Phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh điều này khi trả lời báo chí.
Ông nói, đến nay sự cố này vừa tròn 1 năm (6/4/3016-6/4/2017). Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 4 tỉnh miền Trung đã thực hiện nghiêm túc vấn đề kê khai, thanh toán tiền hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng bị thiệt hại, bị ảnh hưởng do sự cố môi trường Formosa.
Dẫn báo cáo của Bộ TN&MT, ông cho biết Bộ này đã kiểm tra Formosa có 53 điểm còn khiếm khuyết và đến nay được biết Bộ TN&MT báo cáo là Formosa đã khắc phục được 51 điểm.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là khi nào Formosa bảo đảm các điều kiện để hoạt động, không để xảy ra sự cố như tháng 4/2016 sẽ tiếp tục cho hoạt động và nếu hoạt động không bảo đảm thì yêu cầu đóng cửa – Người Phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh.
Ông khẳng định, chúng ta phải có quan điểm như thế chứ không phải không cho Formosa hoạt động vì chúng ta đã tạo môi trường hoạt động đầu tư thông thoáng và minh bạch nhưng doanh nghiệp phải hoạt động với điều kiện bảo đảm môi trường bền vững, không để xảy ra sự cố tương tự như năm 2016. Nếu xảy ra, sẽ yêu cầu đóng cửa. Đây là quan điểm nhất quán mà người đứng đầu Chính phủ đã tuyên bố.
Liên quan đến công tác khắc phục sự cố môi trường biển, ngày 3/4 đoàn công tác của Bộ TN&MT cùng các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra, đánh giá tiến độ hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường tại Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Đây là đợt kiểm tra quan trọng, bởi trên cơ sở kết quả lần này, Bộ TN&MT sẽ xem xét việc cho phép Formosa vận hành thử nghiệm lò cao số 1.
Theo kế hoạch, cuối tháng 3/2017 là thời điểm Formosa sẽ hoàn thành cơ bản các hạng mục khắc phục sự cố. Vì vậy trong đợt kiểm tra này, Bộ TNMT cùng các chuyên gia đầu ngành về môi trường của Việt Nam sẽ kiểm tra tổng thể các công trình bảo vệ môi trường, đồng thời đánh giá kỹ lưỡng lại từng hạng mục khắc phục của Formosa.
Trạm xử lý nước thải sinh hoá là hạng mục kiểm tra đầu tiên của đoàn công tác, bởi nước thải ở đây có chứa Phenol và Xynua, là độc tố gây hải sản chết. Qua kiểm tra, đến nay Formosa đã thực hiện xây lắp bổ sung hoàn thành hệ thống xử lý như: Tiền xử lý keo tụ, thiết bị châm hoá chất khử màu.
Hồ xử lý nước thải. |
Tiếp đến, đoàn tiến hành kiểm tra chuỗi hồ sinh học - một trong những hạng mục đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo việc lưu trữ, xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường bên ngoài.
Với diện tích 10 ha, hệ thống chuỗi hồ sinh học sẽ tạo dung tích điều hòa đủ lớn, an toàn, cho phép chủ động áp dụng các giải pháp ứng phó khi có sự cố từ các trạm xử lý nước thải, ổn định chất lượng dòng nước sau xử lý, chảy ra biển, tránh các cú sốc về nồng độ với môi trường biển.
Trong hệ thống hồ sinh học còn có hồ cá chỉ thị sinh học, cho phép kiểm chứng để đảm bảo rằng nước thải không làm chết cá mới được xả ra biển, cải thiện chất lượng nước, giảm thiểu các chất ổ nhiễm của nhà máy, tạo cảnh quan sinh thái cho khu công nghiệp và khu vực xung quanh.
Thời gian lưu nước trong hệ thống hồ, với nước thải sinh hóa (cần kiểm soát ưu tiên) là 6,4 ngày khi hệ thống hoạt động hết công suất và 25 ngày với công suất hiện nay. Hệ thống hồ được thiết kế làm nhiều bậc, để nếu có sự cố về chất độc thì có thể khắc phục, bơm tuần hoàn ngay từ các bậc hồ đầu tiên trở về trạm xử lý nước thải xử lý lại. Hiện nay, Formosa đang đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành các hạng mục của dự án.
Ngoài ra, một trong những nội dung để xem xét việc cho phép vận hành lò cao số 1, đoàn công tác sẽ kiểm tra hạng mục lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải, bởi khi lò cao đi vào hoạt động sẽ phát sinh khí thải với tổng cộng 15 ống khói. Việc vận hành lò cao số 1 không phát sinh nước thải có chất độc mà chỉ phát sinh nước thải từ hệ thống làm mát.
Dự kiến đoàn công tác sẽ làm việc từ 3-5/4. Sau khi hoàn thành việc kiểm tra thực địa, đoàn sẽ họp với các nhà khoa học để đánh giá việc sử dụng công nghệ cải thiện môi trường của Formosa. Sau khi có kết quả, đoàn sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến về việc cho phép Formosa vận hành lò cao số 1.