Ngày 4/9, Trung Quốc thông báo đã trao công hàm phản đối chính thức cho Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng ngày 3/9 tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6, vụ thử mạnh nhất từ trước tới nay.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ Bắc Kinh "đã trao công hàm phản đối mạnh mẽ cho người phụ trách của Đại sứ quán Triều Tiên ở Trung Quốc.
Theo ông Cảnh Sảng, "Trung Quốc phản đối Triều Tiên tiến hành phát triển vũ khí hạt nhân cũng như cam kết nỗ lực phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Lập trường này đã được Bắc Kinh làm rõ và Triều Tiên cũng biết về điều này". Theo đó, Bắc Kinh bày tỏ hy vọng tất cả các bên liên quan, và đặc biệt là Bình Nhưỡng, có thể hành động kiềm chế để tránh làm leo thang căng thẳng.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết ông đã kêu gọi Trung Quốc trợ giúp để thông qua các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Triều Tiên tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), dự kiến diễn ra trong ngày 4/9 tại New York.
Thông báo với báo giới sau cuộc gặp kéo dài khoảng 15 phút với Công sứ Lưu Thiếu Tân của Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo, Ngoại trưởng Kono cho biết ông đã giải thích với phía Bắc Kinh về tầm quan trọng của việc gây sức ép "tối đa" với Triều Tiên. Ông cho biết đã đề nghị Trung Quốc thảo luận và thông qua một "nghị quyết mới, nghiêm khắc hơn" đối với Triều Tiên tuy nhiên từ chối đề cập tới phản hồi của ông Lưu Thiếu Tân.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Nga, phát biểu với các nhà báo tại thành phố Hạ Môn (Xiamen, Trung Quốc) ngày 4/9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo những bước đi bất cẩn, vội vàng tại Bán đảo Triều Tiên trong tình hình hiện nay có thể dẫn đến bùng nổ quân sự.
Ông Ryabkov nhấn mạnh "không thể để căng thẳng leo thang" và hối thúc các bên thể hiện sự kiềm chế.
Về quan điểm của Nga, Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh, Bình Nhưỡng phải ngừng các hành động khiêu khích làm bất ổn tình hình, song ông khẳng định chính trị-ngoại giao là con đường duy nhất để giải quyết khủng hoảng xung quanh vấn đề Triều Tiên.
Theo ông Ryabkov, có thể dùng các đề xuất thực tế về đối thoại để tác động đến Triều Tiên và cho rằng các nỗ lực ngoại giao phụ thuộc nhiều vào Mỹ.
Ông Ryabkov lấy làm tiếc rằng trong vấn đề Triều Tiên cho đến nay Mỹ vẫn ngả về phương án trừng phạt đôi khi sử dụng tới ngôn ngữ đe dọa thay vì tìm kiếm giải pháp thông qua công cụ ngoại giao./.