Ngày 15/10, vấn đề người nhập cư lại làm "nóng" thêm nghị trường. Hầu hết đại diện các chính đảng tại Duma quốc gia đều có chung 1 kiến nghị: Mạnh tay với người nhập cư trái phép. Tuy nhiên chính sách cụ thể là gì và mạnh tay ở mức độ nào để không đụng chạm đến vấn đề sắc tộc mà cụ thể là tới những người gốc Kavkaz như Daghestan, Chechnhia, Ingushetya… (thực chất là người có quốc tịch Nga) đang làm ăn sinh sống tại các thành phố lớn như Moscow, Saint-Peterburg…? Câu trả lời gần như chưa có nhưng hậu quả của những động thái này thì dường như đang dần lộ diện.
Khoảng 19h (giờ Moscow) ngày 16/10, tại khu vực ga tàu điện ngầm Prazhxkaya (gần khu Biryulevo) một nhóm “dân tộc chủ nghĩa" đã tụ tập tại đây hô vang khẩu hiệu “tất cả chúng ta hãy cùng hướng về Biryulevo để thấy rằng cả Moscow đang đồng hành với chúng ta”. Các cửa hiệu quanh khu vực này đều đóng cửa để tránh bị thiệt hại. Rất may lực lượng đặc nhiệm đã kịp thời ra tay ngăn chặn. Những thanh niên mang dáng vẻ khả nghi đều bị giữ lại kiểm tra. Nếu không có giấy tờ tùy thân chứng tỏ là người ở khu vực này đều bị đưa về đồn cảnh sát để thẩm vấn.
Sự kiện tấn công cảnh sát hồi cuối tháng 6 năm nay tại chợ Matveevxki ở Moscow thực chất là do công dân Nga người Daghestan thực hiện. Vì dân tộc này không có nguồn gốc Xlavơ nên dường như đã bị “vơ đũa cả nắm” và thế là một chiến dịch truy quét người nước ngoài rầm rộ được tiến hành ngay sau đó trên toàn lãnh thổ LB Nga.
Theo số liệu của Ủy ban Hồi giáo LB Nga, tại nước này hiện nay có khoảng trên 20 triệu người theo đạo Hồi. Con số không hề nhỏ. Vì vậy vấn đề nhân chủng học cùng vấn đề ngoại kiều nếu không có những chính sách khôn khéo thì dễ gây nên những bất ổn xã hội khó lường. Sự kiện xảy ra tại Biryulevo, xuất phát điểm chỉ là 1 vụ phạm tội xã hội thông thường nhưng đã bị kích động và bùng phát thành bạo động.
Ngày 17/10, phía Azekbaizan đã gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao LB Nga đề nghị không chính trị hóa vụ án hình sự do công dân Azekbaizan - Orkhan Zeinalov gây ra. Đại sứ Azekbaizan tại Nga, ông Bolad Byulbyul phát biểu với báo chí: “Vụ việc đã bị đẩy đi quá xa. Truyền thông tại Nga còn đưa tin Orkhan đang bị truy nã cũng về tội giết người tại quê nhà mà trên thực tế hoàn toàn chưa có lệnh này bởi theo luật Orkhan chỉ bị coi là tội phạm khi đã có phán quyết của tòa án…”.
Theo tờ Kommersant, tại thành phố Saint-Peterburg, từ đầu tuần cho đến nay nhờ sự cảnh giác của các cơ quan chức năng mà lễ hội Eid al-Adha của người Hồi giáo tại đây đã diễn ra êm ả. Những người thuộc nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan định tổ chức chiến dịch nhằm vào lễ hội này đã bị ngăn chặn. Nhóm này thậm chí còn tự rạch tay, tự làm tổn thương để rêu rao rằng họ bị những người Hồi giáo tấn công.
Nước Nga đã có nhiều đổi thay. Theo số liệu thống kê, thời còn Liên Xô, tại khu vực Kavkaz (mà nay thuộc LB Nga như Daghestan, Ingushetya, Chechnya…) có rất đông người gốc Nga sinh sống, nhưng qua những năm diễn ra các xung đột sắc tộc, hiện nay tại khu vực này gần như chỉ còn lại dân gốc bản địa hoặc những người Muxuman (theo đạo Hồi).
Nước Nga đang đứng trước những thách thức. Dư luận đòi hỏi chính quyền phải mạnh tay với người nhập cư trái phép. Nhưng cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, người nhập cư trái phép là những ai? Chẳng lẽ những người mang quốc tịch Nga, sinh sống trên lãnh thổ Nga và theo luật họ hoàn toàn có quyền tự do di chuyển, tự do kinh doanh buôn bán và tự do cư trú, nhưng chẳng lẽ chỉ vì họ không giống người Xlavơ nên bị kỳ thị? Và có ai đó giống họ phạm tội thì cả cộng đồng về vẻ ngoài giống họ sẽ bị hắt hủi thậm chí bị tấn công?
Và những gì của thời hậu Xô Viết để lại chính bản thân nước Nga cũng phải lựa chọn. Cho đến thời điểm này đối với công dân của các nước SNG (Liên Xô cũ, trừ Gruzia và 3 nước thuộc vùng Baltic) việc ra vào nước Nga gần như là tự do. Theo ý kiến của các chuyên gia và một số quan chức chính phủ, nếu áp dụng chế độ thị thực (ra vào Nga phải có visa) đối với công dân của những nước này nhằm xiết chặt và kiểm soát được làn sóng nhập cư trái phép thì nước Nga sẽ được ít hơn rất nhiều so với những gì mà nước Nga sẽ phải gánh chịu.
Trong một vài năm trở lại đây đã xuất hiện khá phổ biến hiện tượng người gốc Nga khi đi ra nước ngoài rất ngại giao tiếp với người lạ bằng tiếng mẹ đẻ. Liệu đây có phải là câu trả lời mà nước Nga đang chờ đợi?
Phạm Hoàng