In bài viết

Nga gia tăng ảnh hưởng ở Syria: Mỹ bất ngờ

(Chinhphu.vn) - Hành động của Nga đã làm cho Mỹ bất ngờ và lo ngại sẽ mất vị thế trong cuộc chiến chống IS. Đã gần 2 năm trôi qua, IS chẳng những không yếu đi mà còn mạnh lên. Liệu đây có phải cũng chính là lý do mà Tổng thống Mỹ Barack Obama chấp nhận gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin?

29/09/2015 14:10

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Reuters
Tờ The New York Times vừa có bài bình luận xung quanh kế hoạch của Moscow trong việc lập một trung tâm phối hợp đặt tại Trung Đông để chống lại lực lượng khủng bố Nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng.

Dựa vào các tin tức tình báo của Mỹ, hôm thứ 6 vừa rồi kênh truyền hình thân cận với Đảng Cộng hòa đã công bố về sự hiện diện của các chuyên gia quân sự Nga tại Iraq và cho rằng Moscow đang nỗ lực cùng với Baghdad và Tehran tạo lập một trung tâm phối hợp để chống lại IS.

Điện Kremlin lúc đó đã phủ nhận thông tin này. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitri Peskov cho biết điều này là “không phù hợp với tình hình thực tế”.

Tuy nhiên, sau đó, những dữ liệu về kế hoạch lập ra một trung tâm như thế ở Baghdah đã được một nguồn tin ngoại giao-quân sự xác nhận với hãng tin TASS. Nguồn tin này cho hay Trung tâm phối hợp sẽ được xây dựng tại Iraq và các đại diện Bộ tổng tham mưu của Nga, Syria, Iran và Iraq sẽ làm việc tại đây.

Chức năng chính của cơ quan này là thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích và bóc tách các thông tin hiện tại về tình hình Trung Đông trong bối cảnh của cuộc chiến chống IS. Các thông tin này sau khi đã xử lý, theo chỉ định sẽ được gửi về cho Bộ tổng tham mưu của các nước nói trên.

Hiệu quả hoạt động của Trung tâm sẽ tạo cơ sở cho việc hình thành trong tương lai gần một Ủy ban Điều phối các lực lượng vũ trang của 4 quốc gia tham chiến chống IS.

Sáng kiến này được Tổng thống Nga Putin xác nhận ngay trước thềm kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ CBS và PBS.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn được phát sóng vào đêm trước khi nhà lãnh đạo Nga tới New York, ông Putin cho biết đích thân ông đã thông báo cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, các vua của Jordan và Saudi Arabia về kế hoạch này.

"Chúng tôi đã thông báo về điều này cho phía Mỹ và ông Kerry đã có một cuộc trao đổi chi tiết với Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov. Phía quân đội của chúng tôi cũng đã thảo luận về vấn đề này", Tổng thống Nga cho biết.

Cùng ngày, quân đội Iraq đã chính thức công bố việc đạt được thỏa thuận về trao đổi thông tin tình báo qua kênh Baghdad-Tehran-Damascus.

Ông Putin lần đầu tiên đề cập tới việc phải quy tụ các nước trong khu vực trong cuộc chiến chống khủng bố vào cuối tháng 6 và tới đầu tháng 8, ngoại trưởng Lavrov trong một cuộc họp với các đối tác Mỹ, Qatar và Saudi Arabia đã giải thích rõ hơn rằng, việc tạo ra một "liên minh cùng chung mục đích" dự kiến bao gồm cả lực lượng trên bộ, chống lại IS, trong đó có cả sự hiện diện của người Kurd ở Syria.

Trong giới lãnh đạo liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu đã lên tiếng phản đối việc lập ra một cơ sở đặt tại Iraq với lý do là họ không đồng tình với sự tham gia của chính phủ đang cầm quyền tại Syria.

"Chúng tôi không ủng hộ sự hiện diện của của các quan chức của chính phủ Syria, họ là một phần của chế độ tàn bạo nhằm vào chính công dân của mình", đại diện của liên minh phương Tây, Stephen Warren cho biết.

Còn người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ John Kerry, một ngày trước khi có cuộc đàm phán với người đồng cấp Nga, đã tuyên bố cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong nỗ lực chống lại IS.

Theo nhận định của  New York Times, “việc gia tăng ảnh hưởng về mặt quân sự cũng như chính trị của Nga tại Syria khiến Mỹ bất ngờ”.

Thu Lam