Việt Nam đã tiếp nhận 4 tàu ngầm kilo. Ảnh VGP |
Về phía Nga có Tư lệnh Hải quân Nga Viktor Chirkov; Tổng giám đốc Nhà máy Aleksandler Buzakov; Phó Tổng giám đốc công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport Igor Sevaschianov.
HQ-187 Bà Rịa - Vũng tàu là tàu ngầm Kilo cuối cùng trong lô 6 chiếc thuộc lớp Varshavyanka Nga đóng cho Việt Nam.
Trước đó, Việt Nam đã tiếp nhận 4 tàu ngầm Kilo là: HQ-182 Hà Nội, HQ-183 thành phố Hồ Chí Minh, HQ-184 Hải Phòng và HQ-185 Đà Nẵng. Chiếc thứ 5 - HQ-186 Khánh Hòa đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm tại Biển Baltic.
Năm 2009, Nga ký hợp đồng chế tạo và cung cấp 6 tàu ngầm diesel-điện hiện đại lớp Varshavyanka cho Hải quân Việt Nam trị giá 2 tỷ USD. Hợp đồng bao gồm cả quá trình đào tạo thủy thủ đoàn cho tàu ngầm cũng như cung cấp các thiết bị cần thiết.
Tàu ngầm Dự án 636 lớp Varshavyanka Nga đóng cho Việt Nam có lượng choán nước 3.100 tấn, tốc độ tối đa 20 hải lý/giờ, có thể lặn sâu 300m với thủy thủ đoàn 52 người.
Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm cùng với tổ hợp tên lửa tấn công Klub. Khả năng chạy êm của tàu khiến các chuyên gia NATO gọi nó là "hố đen" trong lòng đại dương.
Tàu ngầm Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh Vov.vn |
Tên gọi chính thức của Nga đặt cho lớp tàu ngầm này là Project 636 (Đề án 636). Phiên bản gốc của những tàu ngầm này được gọi ở Nga là Dự án 877 Paltus (Turbot). Phiên bản tối tân hơn, được gọi ở phương Tây là Kilo cải tiến và ở Nga là Dự án 636 Varshavyanka.
Lớp Kilo là một trong những sản phẩm tàu ngầm xuất khẩu thành công nhất của nước Nga. Hiện nay, loại tàu ngầm động cơ diesel này đang được rất nhiều nước sử dụng. Ước tính có khoảng 37 chiếc được xuất khẩu tới 7 quốc gia trên thế giới.
Tàu ngầm Kilo 636MK và tàu ngầm Kilo 636MV có một số điểm giống nhau như: Cùng được trang bị tên lửa chống hạm 3M-54E, cùng sử dụng ắc quy 476E loại cải tiến, tuổi thọ dài, đáp ứng được yêu cầu về nhiệt độ nước ở Thái Bình Dương.
So với tàu ngầm Kilo 636MK, tàu ngầm Kilo 636MV có nhiều điểm khác biệt, trong đó lớn nhất là về vũ khí trang bị.
636MK không có tên lửa hành trình đối đất 3M-14E loại mới nhất có tầm bắn 290km. Đây là loại tên lửa đối đất cực kỳ lợi hại, một đòn tiến công tàng hình từ dưới mặt nước, rất khó bị phát hiện và đánh chặn.
Bên cạnh đó, tàu ngầm Kilo 636MV còn được trang bị ra đa dẫn đường phức hợp đa tác dụng GE2-01 loại mới nhất. Loại ra đa này có ưu điểm lớn nhất là giảm tối đa tạp âm trong môi trường nước và giúp đa dạng hóa biện pháp dẫn đường.
Ngoài ra, tàu ngầm Kilo 636MV được trang bị hệ thống định vị thủy âm kỹ thuật số MGK 400E loại cải tiến (hệ thống sonar), trong khi đó tàu ngầm Kilo 636MK chỉ được trang bị hệ thống sonar MGK 400E loại cơ bản. Hai hệ thống sonar này có cùng cự ly thám trắc, nhưng hệ thống sonar MGK 400E loại cải tiến được trang bị bộ xử lý tín hiệu tốc độ cao nhiều công năng và có mức độ số hóa cao hơn. MGK-400EM được thiết kế để tự động phát hiện, phân loại, theo dõi các mục tiêu dưới và trên mặt nước cũng như chỉ định vũ khí phù hợp với trạng thái của mục tiêu, nhằm tăng hiệu quả tiêu diệt đồng thời bảo đảm cơ số vũ khí.
Về kính tiềm vọng-một trong những “con mắt” của tàu ngầm, tuy tàu ngầm Kilo 636MK và tàu ngầm Kilo 636MV đều được trang bị hệ thống thám trắc quang học, nhưng kính tiềm vọng sử dụng cho nhiệm vụ tấn công của tàu ngầm Kilo 636MV được lắp đặt thêm thiết bị đo cự ly bằng tia laser và hệ thống quan trắc TV, IR. Trong khi đó, tàu ngầm Kilo 636MK chủ yếu sử dụng quang học ngắm bắn và không có thiết bị đo cự ly bằng tia laser. Điều đó có nghĩa năng lực tác chiến ban đêm và độ chính xác của đòn đánh của tàu ngầm Kilo 636MV sẽ cao hơn tàu ngầm Kilo 636MK.
Điểm khác biệt cuối cùng là hệ thống điều hòa mà tàu ngầm Kilo 636MV sử dụng thích hợp hơn với khí hậu, địa hình nhiệt đới.
Đức Bình